Ưu tiên các nguồn lực cho an sinh xã hội

18/11/2015 08:31 AM


Theo Báo cáo kết quả thực hiện 7 Nghị quyết về giám sát chuyên đề và 7 Nghị quyết về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015, do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã ghi nhận một số chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thực hiện hiệu quả Luật BHXH, Luật BHYT

Báo cáo Chính phủ cho biết, với việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân tham gia BHXH, số người tham gia BHXH tăng từ 9,7 triệu năm 2011 lên trên 12 triệu năm 2015.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo kết quả thực hiện 7 Nghị quyết về giám sát chuyên đề và 7 Nghị quyết về chất vấn

Chính phủ cũng tích cực thực hiện Luật BHYT, triển khai nhiều chính sách để khuyến khích người dân tham gia BHYT. Cụ thể, nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo; khuyến khích mua theo hộ gia đình; góp phần giảm chi phí của người bệnh có BHYT. Đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao chất lượng KCB bằng BHYT. Đến cuối năm 2015, phấn đấu tỉ lệ tham gia BHYT đạt trên 75% dân số.

Những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực y tế là chất lượng KCB, BHYT, quản lý thuốc chữa bệnh và cơ sở y tế tư nhân. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Đến nay, Chính phủ đã ưu tiên bố trí khoảng 7% tổng chi ngân sách nhà nước (7,6% nếu tính cả trái phiếu Chính phủ) và đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích hợp tác công- tư đầu tư phát triển hệ thống cơ sở y tế. Nhiều hoạt động nâng cao chất lượng KCB đã được đẩy mạnh. Cụ thể: triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện; nâng cấp cơ sở vật chất; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ y tế xuống cơ sở... Ưu tiên sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn ODA cho các trạm y tế xã. Nâng cao y đức, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế. Tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân; kiểm tra, giám sát việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động.

Chính phủ cũng tăng cường các biện pháp quản lý thuốc chữa bệnh, nhập khẩu trang thiết bị, vật tư y tế; thực hiện quy định về kê khai, công bố, niêm yết giá. Cải cách đấu thầu thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch, giảm được giá nhiều loại thuốc. Phát triển công nghiệp dược, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước...

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Một trong những nội dung quan trọng để giảm nghèo bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được đại biểu đặt ra tại nhiều phiên chất vấn là nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Trong thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm đã được hoàn thiện và triển khai. Tổ chức, sắp xếp lại các trung tâm đào tạo nghề và giáo dục thường xuyên trên địa bàn cấp huyện. Đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới chương trình, giáo trình và định hướng dạy nghề theo nhu cầu xã hội. Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách dạy nghề; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn; nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, tuyển mới dạy nghề đạt khoảng 9,2 triệu lượt người, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho gần 2,4 triệu lao động nông thôn.

Trước đánh giá của Chính phủ về hiệu quả còn hạn chế của chất lượng đào tạo nghề, nhất là với lao động nông thôn, và giải đáp lo ngại của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn ngày 17/11 về thực trạng năng suất lao động còn thấp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Tuy vậy, từ năm 2005- 2014, năng suất lao động ở Việt Nam tăng bình quân 3,7%/năm. Đây là một tín hiệu tích cực đáng mừng.

Cũng tại phiên chất vấn, trả lời về việc chậm hoàn thành phân bổ trường đào tạo nghề chất lượng cao vùng kinh tế động lực và chậm ban hành hướng dẫn đề án đặt hàng đối với cơ sở dạy nghề trọng điểm theo Quyết định của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận: “Vấn đề trường chất lượng cao so với quy định đúng là chậm, lẽ ra chúng ta làm từ 2012 thì tốt hơn, nhưng đến 2014 thì Chính phủ ban hành được quy hoạch này và chúng tôi mới triển khai hướng dẫn được”.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Bộ LĐ-TB&XH đã có kế hoạch triển khai quyết định, tạo điều kiện để trường chất lượng cao sớm đi vào hoạt động và có hiệu quả. Cụ thể, Chính phủ cho phép nhập 20 bộ giáo trình của các nước tiên tiến về. Đồng thời, đã đưa giáo viên đi đào tạo ở các trường chất lượng cao để về đổi mới công tác dạy nghề... Khả năng trong tháng 12 này, Chính phủ sẽ phê duyệt hướng dẫn thực hiện, quy định về hướng dẫn và đặt hàng dạy nghề. Trong lúc đợi những hướng dẫn này, Bộ cũng đã chỉ đạo một mô hình điểm về thí điểm đặt hàng dạy nghề và cho phép Tổng cục Dạy nghề ký với 39 trường để thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ, tức là hợp đồng dạy nghề với 12.000 học sinh và đến nay đã đào tạo được 7.000…

Nguồn baobaohiemxahoi.vn