Lao động – việc làm: Thuận lợi và thách thức sau khi TPP có hiệu lực
16/11/2015 04:12 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn trong quá trình đổi mới kinh tế của nước ta, trong đó TPP được xem là bước đi quan trọng. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra một số thách thức không nhỏ, đặc biệt là với thị trường lao động, việc làm.
Trở thành thành viên của TPP sẽ tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống kinh tế - xã hội, tạo ra những cơ hội lớn về tăng trưởng GDP và phúc lợi xã hội cho Việt Nam. Một số ngành kinh tế có thể phát triển nhanh nhờ vào mức tăng trưởng kinh tế đạt được thông qua quá trình tự do hóa thương mại như: Dệt may, da giầy, thủ công nghiệp, thủy sản, điện tử… Những tác động tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế ở khu vực này sẽ mang lại nhiều cơ hội về việc làm, thu nhập cho một bộ phận lớn người lao động. Bên cạnh những cơ hội và thuận lợi không thể phủ nhận, thì khi tham gia TPP, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức và những khó khăn không hề nhỏ, đặc biệt là với thị trường lao động - việc làm. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, tính đến tháng 10/2015, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 54,32 triệu người. Dự kiến, nếu một số hiệp định thương mại chính thức có hiệu lực thì thị trường lao động – việc làm sẽ có sự tăng trưởng và biến động mạnh, tập trung vào các ngành vốn chiếm lượng nhân công lớn như: May mặc, da giày, thủy hải sản, lắp ráp thiết bị điện tử…
Về mặt thuận lợi, thị trường lao động Việt Nam đang được các nhà đầu tư, tuyển dụng đánh giá cao khi dân số Việt Nam đang ở thế “cơ cấu dân số vàng” (tức người trong độ tuổi lao động nhiều gấp đôi người ngoài độ tuổi lao động), nó đang tạo ra nhiều thuận lợi cho sự phát triển kinh tế đất nước. Khi TPP có hiệu lực, việc tự do hóa thương mại và đầu tư cũng luôn dẫn đến tăng nhu cầu lao động, mức linh hoạt của thị trường lao động sẽ tăng lên và từ đó dẫn đến việc nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực lao động. Thêm nữa, sức ép cạnh tranh giữa các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng góp phần tạo điều kiện để thị trường lao động phát triển. Thông qua đó, góp phần tạo động lực thúc đẩy mọi người lao động phải phấn đấu nâng cao trình độ, kỹ năng và ý thức lao động đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Ngoài ra, TPP làm tăng cơ hội để người lao động tiếp cận trực tiếp với nền sản xuất hiện đại, với trình độ và kinh nghiệm quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh tiên tiến của thế giới, qua đó góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng, tác phong lao động, kiến thức tổ chức, quản lý của người lao động.
Bên cạnh cơ hội mở ra, khi TPP có hiệu lực cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức không nhỏ như: Vấn đề lao động có trình độ cao, chuyên môn giỏi “di cư” sang môi trường làm việc đầy tiềm năng khác gây ra tình trạng mất kiểm soát “chảy máu” chất xám; Thứ hai, xét trên bình diện chung thì số lao động còn lại không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, vì trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam còn quá thấp. Về tính hai mặt của vấn đề trên, theo ý kiến của TS. Phạm Văn Chắt - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam thì, khi một số hiệp định thương mại như TPP và AEC chính thức có hiệu lực thì lượng lao động nước ngoài từ các ngành như kiến trúc, bác sĩ, nha sĩ… sẽ di chuyển tự do vào Việt Nam. Bản thân lao động Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh gay gắt từ nguồn lao động các nước trong nội khối. Ngược lại, lượng lao động Việt Nam xuất khẩu sang các nước cũng ở mức cao. Đây chính là điều kiện tốt để lao động có trình độ cao của Việt Nam lựa chọn môi trường làm việc phù hợp.
Tuy nhiên chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào vấn đề, nhìn chung trình độ, tay nghề lao động của nước ta còn thấp. Lực lượng nhân công trong các nhà máy xí nghiệp đang hoạt động hiện nay thường tham gia các công đoạn đơn giản trong các quy trình sản xuất sản phẩm. Họ chủ yếu sản xuất gia công sản phẩm theo đơn đặt hàng của nước ngoài kiểu “thuê gì làm nấy” nên luôn ở thế bị động. Vì không có điều kiện ổn định sản xuất để nâng cao tay nghề, nên trình độ chuyên môn hóa trong lao động của nước ta không cao, kể cả so với các doanh nghiệp có vốn đấu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động trong cùng lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, việc gặp phải sự cạnh tranh gay gắt về trình độ lao động trong một nội khối TPP bình đẳng sẽ xảy ra như một tất yếu.
Thống kê của cơ quan chức năng cũng cho thấy, năm 2013, lực lượng lao động qua đào tạo của nước ta chỉ chiếm gần 18% và đến năm 2015, tỷ lệ này mới được nâng lên thành 19,5% - một con số còn quá khiêm tốn và không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn cho ngay cả các doanh nghiệp trong nước. Lực lượng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp, cùng sức ép cạnh tranh có thể khiến nhiều doanh nghiệp phá sản trong môi trường chung TPP, đó là những rủi ro về lao động - việc làm mà chúng ta phải đối mặt. Đó là chưa bàn tới việc, dù liên tục tăng năng suất lao động trong thời gian qua song năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/18 của Singapore, 1/6 của Malaysia, 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc. Như vậy, năng suất lao động của Việt Nam thuộc diện thấp so với khu vực.
Về năng suất lao động, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng thư ký VCCI từng nhận xét: Việt Nam chúng ta vẫn dùng lao động giá rẻ để cạnh tranh! Cụ thể, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phát triển kinh tế bởi vẫn cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ. Chứ không phải cạnh tranh trên nền tảng đổi mới, sáng tạo như Singapore hoặc yếu tố hiệu quả như Hàn Quốc, Malaysia. Trong khi đó, năng suất thấp là nguyên nhân chính kìm hãm năng lực cạnh tranh - chìa khoá của tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, về gánh nặng thanh niên thất nghiệp, những năm qua chúng ta cũng chưa thể giải quyết triệt để. Bản tin thị trường lao động Quý II/2015 vừa được Bộ LĐTB&XH công bố cho thấy, lực lượng thanh niên thất nghiệp tiếp tục tăng (gần 6,7%) cao gần 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước… Bản tin trên cũng đánh giá, chất lượng việc làm thanh niên còn hạn chế, phần đông thanh niên còn là lao động tự làm và lao động trong hộ gia đình không hưởng lương; hơn 50% lao động thanh niên làm việc không có hợp đồng lao động.
Không thể phủ nhận được rằng, người lao động của nước ta được đánh giá đa phần là tốt, với phẩm chất cần cù, thông minh, chịu thương chịu khó, sống hòa đồng…Nhưng cùng với đó, việc nâng cao tay nghề, và tăng số lượng lao động chất lượng cao, khắc phục những hạn chế về tiêu chuẩn lao động tại Việt Nam cũng đang là bài toán đặt ra khi chúng ta chính thức ký kết TPP. Còn về kỷ luật lao động cũng cần thay đổi nhiều trong tác phong, bởi chúng ta vẫn còn nghe chuyện buồn đây đó xảy ra, khi một bộ phận lao động của mình ý thức tổ chức kỷ luật chưa thật tốt. Việc một số lao động xuất khẩu làm việc ở nước ngoài bỏ trốn ra ngoài làm là một ví dụ, nó gây ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín, chất lượng của nguồn lao động đang rất cần được chấn chỉnh...
Thiết nghĩ, từ một số thuận lợi, thách thức đối với thị trường lao động - việc làm của Việt Nam đã trình bày trên sau khi TPP chính thức có hiệu lực, muốn phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của thị trường lao động trong nước khi mở rộng thị trường, Việt Nam cần phải có những đánh giá xác thực về chất lượng nguồn nhân lực của mình. Từ đó tìm ra giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng lao động, cải thiện các điều kiện lao động trong nước để đáp ứng các yêu cầu theo cam kết TPP. Song song với đó, cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo đội ngũ lao động chuyên môn có tay nghề cao, thực hiện tái cấu trúc lại một số ngành theo hướng hiện đại bằng cách ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất lao động, để từng bước vươn lên thế chủ động trong lĩnh vực lao động - việc làm, đón đầu trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Theo ĐCSVN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT