Từ năm 2008 - 2015, gần 6,4 triệu lượt thanh niên được tư vấn, truyền thông về nghề nghiệp, việc làm

10/11/2015 03:43 AM


Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách trong lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động ở độ tuổi thanh niên. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, việc làm cho thanh niên nông thôn vẫn trong tình trạng thiếu ổn định, thất nghiệp có chiều hướng gia tăng, là một trong những nguyên nhân nảy sinh nhiều tiêu cực, hệ lụy cho xã hội.

Đã từng làm nhiều việc, thậm chí vào tận tỉnh Bình Dương làm công nhân với ước muốn đổi đời, nhưng mơ ước đó là quá xa vời đối với anh Bùi Tiến Giang ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Trở về quê hương, trên mảnh đất thuê của chính quyền địa phương, trải qua nhiều thất bại trong việc chọn nuôi con gì, trồng cây gì, đến nay anh Giang đã là chủ mô hình kinh tế trang trại trồng cây ăn quả và rau màu có diện tích 2,5 ha, giải quyết việc làm thường xuyên cho bốn lao động, với lợi nhuận gần 400 triệu đồng/năm. Câu chuyện về chàng trai tốt nghiệp cao đẳng nhưng lại quyết chí về quê nuôi rươi và bước đầu thành công khiến người dân xã Tiên Thanh (Tiên Lãng, Hải Phòng) tự hào khi nói về chàng trai trẻ Lê Xuân Thắng. Từ vùng đầm chiêm trũng của gia đình chưa được khai thác hiệu quả, anh Thắng mạnh dạn vay vốn cải tạo 40 mẫu đầm ven sông để nuôi rươi. Với phương châm không bỏ phí một tấc đất, Thắng xây dựng trang trại gà đẻ cạnh đầm rươi. Chịu khó tìm hiểu, học hỏi kiến thức về chọn giống, chăn nuôi và vệ sinh chuồng trại, phòng, chống dịch bệnh gia cầm, Thắng phát triển trang trại nuôi hàng nghìn con gà đẻ. Thức ăn thừa và chất thải từ trang trại nuôi gà được Thắng tận dụng để nuôi rươi cho thu hoạch mỗi năm từ 5 đến 7 tấn. Từ năm 2010 đến nay, không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, trang trại của anh Thắng còn tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Tấm gương mạnh dạn phát triển kinh tế của anh Giang, anh Thắng được nhiều bạn trẻ các địa phương khác học tập, triển khai thực hiện, làm dấy lên phong trào người trẻ quyết bám trụ làng quê để làm giàu.

Số liệu thống kê của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từ năm 2008 đến 2015, đã có gần 6,4 triệu lượt thanh niên được tư vấn, truyền thông về nghề nghiệp, việc làm. Với sự quan tâm đầu tư đúng mức đối với các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp việc làm đối với thanh niên. Đoàn thanh niên các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với ngành lao động tổ chức tốt các hoạt động truyền thông tuyên truyền về chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động tới thanh niên và xã hội thông qua việc tổ chức nhiều nội dung, hoạt động cụ thể, như: Ngày hội việc làm, Ngày hội tư vấn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, các sàn giao dịch việc làm… Các tỉnh đoàn, thành đoàn, như: Vĩnh Phúc, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Yên, Cần Thơ, Quảng Nam... đã triển khai tốt việc phát triển và duy trì hoạt động của các điểm tư vấn và giới thiệu việc làm cho thanh niên tại các cơ sở Đoàn. Mô hình câu lạc bộ “Thanh niên giúp nhau lập nghiệp”, “Hợp tác xã thanh niên”, “Trang trại trẻ”… đã được tổ chức Đoàn đẩy mạnh thực hiện tại các địa phương…

Bên cạnh một số kết quả đáng ghi nhận, theo đánh giá chung, vấn đề lao động và việc làm của thanh niên nông thôn vẫn trong tình trạng thiếu ổn định, thất nghiệp có chiều hướng gia tăng. Theo khảo sát mới đây của Thành Đoàn Hà Nội về tình hình việc làm của thanh niên tại 30 xã, có đến 80% số thanh niên thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Thiếu việc làm, không ít thanh niên nông thôn chơi bời, lêu lổng sa vào cờ bạc, rượu chè, nghiện hút và các tệ nạn xã hội khác. Trước những khó khăn về việc làm, nhiều thanh niên đã ra thành phố, đến các khu đô thị, khu công nghiệp để tìm kế mưu sinh. Tuy nhiên, phần lớn việc làm đều không ổn định, thu nhập bấp bênh, do trình độ học vấn thấp, cho nên họ chỉ có thể làm được những công việc giản đơn theo mùa vụ với mức lương thấp, đời sống khó khăn, tạm bợ... Và có một thực tế là các doanh nghiệp chưa coi thanh niên nông thôn là lực lượng lao động chủ chốt, cho nên chưa nhiệt tình và tin cậy để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất chưa nhiều. Việc phổ biến nghề mới, đào tạo nghề, tư vấn nghề và hỗ trợ các kỹ năng nghề cũng như hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào khu vực nông thôn còn hạn chế. Hoàng Vĩnh, huyện Hoa Lư, Ninh Bình cho biết: Với tấm bằng tốt nghiệp trung cấp ngành y loại giỏi, nhưng để xin được việc làm ở quê rất khó khăn. Trong thời gian chờ đợi, em cũng xin làm một số việc thủ công như đan lát, xếp gạch… nhưng nguy cơ rủi ro tai nạn lao động là khá cao, trong khi chế độ bảo hiểm của em lại không được bảo đảm.

Thời gian tới, để giải quyết việc làm cho lao động nói chung và cho thanh niên nói riêng, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương cùng với các chính sách thu hút, ưu đãi nhân tài. Các địa phương cần xây dựng chương trình việc làm trên cơ sở gắn kế hoạch sản xuất với kế hoạch giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và tập trung dạy nghề cho thanh niên nông thôn, giúp họ nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật, kỹ năng quản lý, kiến thức thị trường để lựa chọn nghề cho phù hợp. Khuyến khích đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Chú ý đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ cho thanh niên, học sinh nông thôn mới tốt nghiệp phổ thông giúp họ chuẩn bị điều kiện chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp như: công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ nông thôn, bán hàng… Huy động từ nhiều nguồn lực để tăng vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cho thanh niên nông thôn, đầu tư ngân sách thỏa đáng để mở rộng mạng lưới dạy nghề. Có chính sách tín dụng ưu đãi cho các cơ sở dạy nghề, nhất là các nghề kỹ thuật cao. Tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư và khu vực nông thôn để phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho thanh niên nông thôn cải thiện đời sống. Xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia về định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên nông thôn, trong đó chú trọng những thông tin về thị trường lao động cung cấp cho họ những số liệu tin cậy về lao động, việc làm đến các địa phương để có căn cứ xây dựng chương trình hướng nghiệp cho thanh niên nông thôn, giúp họ có điều kiện tiếp xúc với thông tin và những cơ hội tìm kiếm việc làm một cách đầy đủ và chính xác. Mở rộng các hình thức tư vấn nghề, nâng cao năng lực cũng như hiệu quả hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm cho thanh niên nông thôn.

Theo NDO