Lao động khu vực phi chính thức cần được hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện

10/11/2015 08:46 AM


Chị Đỗ Thị Út, 32 tuổi (Kim Động, Hưng Yên) lên Hà Nội bán hàng rong cả chục năm nay. Dù rất mong sau này về già có lương hưu, nhưng khi tìm hiểu để tham gia BHXH tự nguyện, chị nhận thấy nhiều trở ngại.

Chị Út cho biết, với chị, việc phải đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng 22% mức lương cơ sở không phải là điều dễ dàng. Công việc và thu nhập bấp bênh, sức khỏe mỗi ngày giảm sút, chị Út không dám chắc có thể duy trì đóng BHXH được trong hơn 2 chục năm nữa cho đến khi đủ 55 tuổi để được hưởng lương hưu.

Nhiều NLĐ tự do mong mỏi được tham gia BHXH

Cũng là một lao động tự do, anh Nguyễn Hải Dương (Hải Hậu, Nam Định) cho biết, hằng ngày anh rong ruổi trên khắp các phố phường Hà Nội để tìm việc. Tất cả những việc anh làm đều khá nặng nhọc và đối mặt với nhiều rủi ro, nhưng những người như anh khi tham gia BHXH tự nguyện không được giảm tuổi nghỉ hưu. Trong khi những đồng nghiệp của anh Dương, chị Út làm việc trong khu vực chính thức, làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, tham gia BHXH bắt buộc được giảm tuổi nghỉ hưu 5 năm (nam 55 tuổi, nữ 50 tuổi).

NLĐ khu vực chính thức đóng 8% mức thu nhập, trong tổng số 26% đóng BHXH bắt buộc, được hưởng 5 chế độ: Ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, hưu trí, tử tuất. Trong khi NLĐ khu vực phi chính thức tự đóng 22% (cao hơn 14%) chỉ được hưởng 2 chế độ, hưu trí và tử tuất. Khi được hỏi: Nếu tăng mức đóng để được hưởng thêm 3 chế độ: Ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, anh/chị có muốn tham gia không? Anh Dương, chị Út đều trả lời: Chúng tôi rất mong được Nhà nước hỗ trợ, chứ chi phí cho BHXH quá lớn thì chúng tôi không thể tham gia.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, qua 8 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, đến nay mới chỉ có 196.254 người tham gia, chiếm 0,35% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động và 0,45% so với số người thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện. Điều đáng nói, trong số đó chủ yếu là những người đã từng tham gia BHXH bắt buộc, nay đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ 20 năm tham gia BHXH và hưởng chế độ hưu trí; rất hiếm người tham gia BHXH tự nguyện từ đầu.

Tại Hội thảo mạng lưới chuyển tuyến hỗ trợ lao động di cư do Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) vừa tổ chức, một số vấn đề trên được cho là rào cản khiến ít người tham gia BHXH tự nguyện.

Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020 nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH; 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp.

Theo dự báo, đến năm 2020, lực lượng lao động sẽ vào khoảng 60 triệu người, nên phải phấn đấu đạt 30 triệu người tham gia BHXH, trong đó 3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Để có thể đạt được mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần sớm thực hiện chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện.

Theo Luật sư Trịnh Quang Chiến- Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế (Hội Luật gia Việt Nam), nếu Nhà nước áp dụng chính sách hỗ trợ thì mới thu hút NLĐ khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện đông hơn, góp phần tăng độ bao phủ BHXH. Việc hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện cũng chính là giải pháp giúp Nhà nước giảm nhẹ gánh nặng chi trả trợ cấp người già trong tương lai.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn