Linh hoạt các giải pháp để tăng tỉ lệ bao phủ BHYT
04/11/2015 08:31 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 4/11, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế tổ chức Hội nghị giao ban quý III/2015 nhằm đánh giá công tác BHYT 9 tháng qua và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, nhất là thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT 75,4% dân số cả nước vào cuối năm 2015 theo Quyết định 1584/QĐ-Ttg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đồng chủ trì Hội nghị.
Một số địa phương chậm vào cuộc
Theo tổng hợp của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 9/2015, cả nước có 67,4 triệu người tham gia BHYT (đạt 73,91% dân số); trong đó có 8 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ bao phủ trên 90% dân số, 10 địa phương bao phủ từ 80% đến dưới 90% dân số, 22 địa phương bao phủ từ 70% đến dưới 80% dân số…
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại Hội nghị
Ông Phạm Lương Sơn- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết: Để đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, nhiệm vụ đặt ra trong những tháng cuối năm 2015 là cần phát triển thêm 1,49% dân số, tương đương với khoảng hơn 1,3 triệu người tham gia BHYT. Các giải pháp sẽ cần tập trung vào một số nhóm có tỉ lệ tham gia BHYT thấp so với quy định. Cụ thể, nhóm NLĐ và người SDLĐ vẫn còn 21,7% chưa tham gia BHYT (tương ứng 3 triệu người) trong đó chủ yếu là NLĐ làm việc trong các DN hoạt động theo Luật DN và Luật Đầu tư; nhóm NSNN đóng còn khoảng 1 triệu người, chủ yếu tập trung ở nhóm người đang sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn và xã đảo, huyện đảo.
Ông Sơn nhấn mạnh: Hiện có tới hơn 50% đối tượng người đang sinh sống tại xã đảo chưa có thẻ BHYT. Với nhóm đối tượng NSNN hỗ trợ đóng, còn 21,9% (hơn 4 triệu người) nằm ngoài diện bao phủ BHYT. Trong đó, người thuộc hộ gia đình cận nghèo còn khoảng 600.000 người; HSSV là 2,1 triệu em; người thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình còn 1,5 triệu người. Trong khi đó, nhóm đối tượng tham gia theo hộ gia đình hiện còn khoảng 67,4% chưa có thẻ BHYT (tương ứng 16,2 triệu người).
Chỉ rõ nguyên nhân khiến các nhóm đối tượng này có tỉ lệ tham gia BHYT chưa cao, ông Sơn cho biết, tình trạng DN nợ đóng, trốn đóng BHYT diễn ra khá phổ biến (trên 40%), nhiều DN giải thể hoặc kinh doanh không có lãi, không ít DN thực hiện sản xuất theo mùa vụ nên số lao động không ổn định. Nhóm HSSV mặc dù đã được tạo điều kiện thuận lợi về phương thức đóng BHYT (đóng 2 lần hoặc 3 lần/năm học) nhưng vẫn còn nhiều em có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn không thể tham gia BHYT. Với nhóm người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp, mặc dù thủ tục xác định thuận lợi và được NSNN hỗ trợ mức đóng, nhưng hầu như chưa biết đến chính sách này.
Hiện nay, việc Thủ tướng Chính phủ chưa có Quyết định về việc công nhận xã đảo, huyện đảo thuộc các tỉnh (chỉ có tỉnh Quảng Nam có quyết định công nhận), dẫn tới nhiều địa phương chưa thực hiện mua thẻ cho nhóm đối tượng này. Riêng đối tượng hộ gia đình, khó khăn được chỉ ra là do thu nhập không ổn định, nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều người vẫn mang tư tưởng khi có bệnh mới mua thẻ BHYT.
Làm rõ thêm một trong những hạn chế trong triển khai thực hiện Luật BHYT, ông Lê Văn Khảm- Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) đề cập đến sự vào cuộc còn chậm trễ của UBND một số địa phương. Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế, hiện mới có 35/63 tỉnh, thành phố báo cáo đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ chức hướng dẫn UBND cấp xã lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Theo ông Trần Đình Liệu- Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam), cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, dẫn đến việc phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể còn chưa chặt chẽ trong tổ chức thực hiện. Việc chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong công tác BHYT HSSV của ngành GD-ĐT chưa quyết liệt, một số nơi còn tư tưởng “thu hộ” cho ngành BHXH. Do vậy, tỉ lệ HSSV tham gia ở các tỉnh không đồng đều. Việc lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi của một số cơ quan chức năng còn chưa đầy đủ, kịp thời nên nhiều năm qua vẫn tồn tại tình trạng các cháu đi KCB không có thẻ BHYT nhưng quỹ BHYT vẫn phải chi trả các chi phí cho các cháu…
Tháo gỡ khó khăn tham gia BHYT hộ gia đình
Chia sẻ vướng mắc liên quan đến văn bản hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, với nhóm tham gia theo hộ gia đình, hiện có một số địa phương, tổ chức đã quyết định hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho một số đối tượng thuộc hộ gia đình và không thuộc nhóm được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT (người từ 60 đến dưới 80 tuổi, Đảng viên trên 30 năm tuổi Đảng, người bị nhiễm HIV/AIDS…) nhưng với các gia đình chưa đủ các thành viên tham gia BHYT theo quy định, việc hỗ trợ này cũng chưa thực hiện được…
Chia sẻ lo ngại những khó khăn trong triển khai BHYT theo hộ gia đình có thể khiến hơn 3 triệu người thuộc nhóm này đang tham gia BHYT sẽ “ra khỏi” hệ thống, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng: Con số 75,4% dân số tham gia BHYT trong năm 2015 là mục tiêu trước mắt mà 2 ngành cần nỗ lực thực hiện, nhưng mục tiêu lâu dài đặt ra là phải phát triển đối tượng bền vững, phấn đấu thực hiện BHYT toàn dân theo đúng lộ trình Chính phủ đặt ra. Điều này đòi hỏi những giải pháp cụ thể trong từng giai đoạn, tháo gỡ triệt để những vướng mắc đặt ra trong quá trình thực hiện Luật. Nguyên tắc chung là tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT, cơ quan BHXH chịu trách nhiệm hậu kiểm...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kết luận Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV/2015 là phải đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 75,4%. Để tháo gỡ khó khăn với nhóm tham gia theo hộ gia đình, được sự đồng ý của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế phối hợp với BHXH Việt Nam sẽ báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án thực hiện BHYT hộ gia đình linh hoạt theo hướng, các thành viên theo hộ gia đình đều bắt buộc tham gia BHYT. Tuy nhiên, chấp nhận phát hành thẻ cho từng thành viên mà không bắt buộc toàn bộ gia đình phải tham gia cùng thời điểm, đồng thời, vẫn giảm trừ mức đóng cho những thành viên tiếp theo. Trước mắt, đề nghị Chính phủ đưa nội dung vào Nghị quyết phiên họp của Chính phủ để kịp tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng này…
Hai ngành cũng thống nhất tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh có tỉ lệ bao phủ dưới 60% dân số; đồng thời tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật, thực hiện các quy định về KCB thanh quyết toán chi phí KCB BHYT. Song song với đó, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sẽ hoàn thiện các Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư hiện hành, cũng như hoàn thiện, trình ban hành các Thông tư mới để đảm bảo có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Tập trung tuyên truyền, vận động tăng tỉ lệ tham gia BHYT theo hộ gia đình, tăng tỉ lệ bao phủ theo các nhóm đối tượng. “Công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, mỗi nhóm đối tượng phải có những thông điệp cụ thể. Nội dung tuyên truyền phải phân định 2 hướng: Một là tuyên truyền rộng rãi cho người dân hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình; hai là tập huấn cho hệ thống cán bộ BHXH, nhân viên y tế để hiểu Luật, các văn bản hướng dẫn, thực hiện đúng quy định của Luật…”, bà Tiến nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, lãnh đạo 2 ngành cũng bàn thảo, thống nhất một số vấn đề liên quan đến triển khai thực hiện các quy định mới của Luật BHYT 2014 như: Phối hợp triển khai Đề án ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT, phấn đấu thực hiện kết nối hệ thống thông tin quản lý KCB và thanh toán BHYT qua mạng để quản lý, giám định, thanh toán BHYT kịp thời trước ngày 1/1/2016; giám định chi phí KCB BHYT; căn cứ thanh toán chi phí KCB BHYT cho các BV tư nhân, tiêu chí xác định “hạng” của các Trung tâm y tế, Trung tâm y tế dự phòng có tổ chức KCB...
Nguồn baobaohiemxahoi.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT