Ngăn chặn HIV/AIDS: Quỹ BHYT sẽ là nguồn lực chính
13/11/2015 08:20 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Các khoản tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam trong điều trị HIV/AIDS sắp “cạn”, nguồn tài chính để duy trì kết quả trong việc ngăn chặn, tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030 đang được chuyển hướng vào quỹ BHYT. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để giải quyết được vấn đề này là phải bao phủ BHYT đến 100% người bệnh…
Gánh nặng
Tính đến tháng 9/2015, nước ta có 227.154 người nhiễm HIV được phát hiện, 83.538 bệnh nhân AIDS. Theo thống kê của Bộ Y tế, mặc dù mới có 45% số người HIV được phát hiện đang được điều trị, nhưng riêng kinh phí mua thuốc kháng virus Antiretrovaral (ARV) mỗi năm đã hơn 420 tỷ đồng, chưa kể chi phí cho điều trị những căn bệnh nhiễm trùng cơ hội như viêm gan, lao…
Chuyên gia y tế tư vấn điều trị cho "người có H"
TS.Nguyễn Hoàng Long- Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Việt Nam bắt đầu điều trị ARV từ năm 2004 và đến nay đã cán đích điều trị ARV cho 100.000 bệnh nhân. Điều trị ARV không chỉ tăng sức khỏe cho bệnh nhân, giảm tỉ lệ tử vong mà còn giảm nhiễm trùng cơ hội, giảm chi phí cho các hoạt động dự phòng lây nhiễm, đặc biệt là giảm tới 90% khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.
Một nghiên cứu của quốc tế cho thấy, nếu đầu tư 1 USD cho ARV thì sẽ giảm được 7 USD cho xã hội. Cụ thể, theo các tính toán, trong 10 năm qua Việt Nam đã giảm được khoảng 400.000 người không bị lây nhiễm HIV; cứu 150.000 trường hợp không bị tử vong vì HIV, trong đó đóng góp của ARV là rất lớn. Thế nhưng, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là có tới hơn 70% kinh phí điều trị HIV/AIDS vẫn đang dựa vào các nguồn viện trợ quốc tế, trong khi nguồn này đang giảm và tiến tới giảm hoàn toàn. Từ đầu quý II/2015, các tổ chức quốc tế đã chấm dứt chi tiền thuốc cho các bệnh nhân mới và chưa có cam kết hỗ trợ sau năm 2017. Bên cạnh đó, kinh phí từ NSNN cũng giảm nghiêm trọng, từ 245 tỷ đồng (2013) xuống 85 tỷ đồng (2014), mặc dù năm 2015 đã tăng lên 120 tỷ nhưng không đủ bù đắp.
Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế đã xác định giải pháp trước mắt là trình Chính phủ bổ sung kinh phí bù đắp; đồng thời xác định giải pháp lâu dài và bền vững là thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thông qua BHYT. Theo Thông tư số 15/2015/TT-BYT ngày 26/6/2015 của Bộ Y Tế, BHYT sẽ thực hiện chi trả tiền thuốc ARV cho người nhiễm HIV với việc kiện toàn các cơ sở điều trị HIV. Lộ trình cho vấn đề này cũng được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất. Tuy nhiên, với giải pháp này, điều kiện là người nhiễm HIV phải có thẻ BHYT.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, nếu không có thẻ BHYT, người bệnh phải tự chi trả chi phí, dẫn tới nguy cơ bỏ điều trị gia tăng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, mà còn tác động đến tài chính y tế quốc gia. Khi bệnh nhân không được duy trì điều trị ARV sẽ dẫn đến chuyển sang AIDS và tử vong hoặc bị kháng thuốc và phải chuyển sang các phác đồ điều trị đắt tiền hơn gấp nhiều lần.
Khó khăn: Khắc phục thế nào?
Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, khó khăn hiện nay là chỉ có 30% người HIV có thẻ BHYT, và không phải tất cả họ đều chủ động sử dụng BHYT khi KCB vì sợ lộ danh tính, bị kỳ thị. Đồng thời, mức đồng chi trả 20% cũng là rào cản đối với những người nhiễm HIV khó khăn về tài chính.
Chia sẻ tại một hội thảo vừa được Bộ Y tế tổ chức mới đây, chị Phạm Thị Hiền- Trưởng nhóm Tự lực Ngày mai tươi sáng tỉnh Bắc Ninh cho biết đã phát hiện mắc bệnh từ năm 2000 và được điều trị ARV từ năm 2011. Nhờ có ARV, vợ chồng chị đã có thể sinh con mà con không bị nhiễm HIV; bản thân chị vẫn khỏe mạnh và có thể làm việc, chăm sóc gia đình, con cái. “Tôi được biết thời gian tới sẽ không còn viện trợ của quốc tế cho điều trị ARV mà thay vào đó sẽ dùng nguồn quỹ BHYT. Nếu tham gia và sử dụng BHYT đồng nghĩa với được điều trị lâu dài và giảm chi phí thì tôi tin chắc tất cả mọi người nhiễm HIV đều mong muốn được tham gia BHYT…”. Tuy nhiên, chị Hiền cũng cho rằng, “nhiều người nhiễm HIV khó khăn về kinh tế chưa có điều kiện tham gia”. Dẫn chứng ngay trong nhóm Tự lực Ngày mai tươi sáng tại Bắc Ninh, chi Hiền thông tin: “có đến 90% phụ nữ nhiễm HIV trong nhóm đã mất chồng, cuộc sống bấp bênh, ai thuê gì làm nấy. Vì thế, việc mua thẻ BHYT và cùng chi trả chi phí điều trị đối với nhiều người trong nhóm rất khó khăn. Một số anh chị em đã nhiễm HIV còn bị thêm bệnh lao hay viêm gan C thì việc điều trị là cả một vấn đề lớn, có người phải từ bỏ điều trị bệnh đồng nhiễm vì không chi trả được. Ngoài ra, còn một bộ phận người nhiễm HIV không điều trị tại địa phương nơi mình sống và làm việc vì e ngại sẽ bị lộ tình trạng bệnh và bị kỳ thị, phân biệt đối xử…”.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, với định hướng nguồn ngân sách chủ yếu từ quỹ BHYT, yêu cầu bức thiết hiện nay là phải tăng nhanh diện bao phủ BHYT người có HIV/AIDS, ít nhất là tất cả người bệnh HIV/AIDS đang được quản lý. Để đảm bảo cân đối bền vững quỹ BHYT phải nhanh chóng đạt BHYT toàn dân.
“Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng sẽ nỗ lực tuyên truyền để tăng tỉ lệ người có HIV tham gia BHYT nhưng đây rõ ràng là một thách thức lớn. Chúng tôi đã đề nghị có cơ chế đặc thù mua thẻ BHYT cho các bệnh nhân nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn từ NSNN và ngân sách địa phương để tạo điều kiện cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT sử dụng trong KCB…”, ông Long cho biết. Bên cạnh đó, bản thân người có HIV cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để có thẻ BHYT. Thực tế hiện nay, người nghèo, người sống ở vùng sâu, vùng xa đã được Nhà nước hỗ trợ 100%, người cận nghèo được hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ BHYT. Nhiều nhóm đối tượng khác cũng đang được hỗ trợ một phần mua thẻ BHYT. Có thể nói, rất nhiều người nhiễm HIV đã nằm trong chính sách hỗ trợ này, nên việc tiếp cận BHYT là không quá khó khăn. Theo quy định hiện hành mức đóng góp chung khi tham gia BHYT là 4,5% mức lương cơ sở (tương đương khoảng 621.000 đồng/năm). Đây là một số tiền không quá lớn khi so sánh với việc bảo vệ sức khỏe nói chung cũng như việc điều trị ARV nói riêng.
Nguồn baobaohiemxahoi.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT