Nỗ lực đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho điều trị HIV/AIDS từ Quỹ BHYT

29/10/2015 04:11 AM


Đó là một trong những ý kiến trao đổi của các khách mời khi tham gia Tọa đàm “Huy động nguồn lực cho phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020” do Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân phối hợp với Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 28/10/2015.

Toa dam 291015.jpg
Các khách mời tham gia Tọa đàm. (Nguồn: Internet)

Các khách mời tham gia tọa đàm gồm có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong; Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế Nguyễn Hoàng Long; Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn; Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội Lê Nhân Tuấn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, qua thực tế giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua đã ghi nhận nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan chức năng có vai trò hết sức quan trọng. Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đặt ra nhiều thách thức lớn. Việt Nam đã nhận diện được dịch bệnh, những vùng lây nhiễm cao, những đối tượng có nguy cơ cao. Các giải pháp tập trung vào dự phòng, điều trị và giảm tác hại. Tuy nhiên, xem xét toàn bộ quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015, thì trong tổng số nguồn lực huy động là 4.310 tỷ đồng thì ngân sách trung ương bố trí chỉ được 1.519 tỷ đồng, đạt 85,8% nguồn kinh phí mà trung ương phải bảo đảm, ngân sách địa phương hầu như không huy động được. Chủ yếu nguồn lực là từ tài trợ quốc tế với khoảng 2.700 tỷ đồng, đạt 395,8% kế hoạch. Như vậy, có thể thấy rằng các giải pháp đưa ra là đúng đắn, hợp lý song nguồn lực đầu tư trong nước thì chưa đáp ứng được yêu cầu mà chủ yếu phụ thuộc vào tài trợ nước ngoài. Do đó, khi mà nguồn tài trợ quốc tế bị cắt giảm thì sẽ là khó khăn, thách thức cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tới đây.

Trả lời câu hỏi về những thách thức đối với việc duy trì thành quả phòng, chống HIV/AIDS khi nguồn viện trợ của nước ngoài bị cắt giảm hoàn toàn, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết, trong thời gian qua, khoảng 80% kinh phí trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam là do nhà tài trợ nước ngoài. 95% tiền mua thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV) cũng là tài trợ nước ngoài. Các nguồn tài trợ chỉ còn cam kết đến năm 2017. Do đó, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Mặc dù thời gian vừa rồi tỷ lệ người nhiễm cũng đã giảm nhưng mức độ giảm chưa sâu, chưa bền vững. Hiện nay, khoảng 227.000 người nhiễm HIV dương tính được phát hiện và mỗi năm khoảng 12.000 trường hợp HIV dương tính mới. Do nguồn kinh phí hạn chế nên mức độ bao phủ dịch vụ vẫn chưa được nhiều, trong đó có bơm kim tiêm, bao cao su cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của xã hội. Điều trị hiện nay được khoảng 100.000 người trong tổng số hơn 200.000 người đã được phát hiện, chiếm 44%. Chúng ta đang hướng đến mục tiêu 90-90-90. Tức là phải phát hiện được 90% số nhiễm HIV trong cộng đồng, điều trị được 90% số người nhiễm HIV được phát hiện, 90% người điều trị phải có kết quả tốt. Mặc dù dịch giảm nhưng khối lượng công việc rất lớn trong khi đó nguồn tài chính cắt giảm nghiêm trọng, ngân sách nhà nước thì có hạn không thể bù đắp được hoàn toàn nhu cầu điều trị HIV.

Trao đổi về vấn đề khi không huy động đủ nguồn ngân sách cho phòng, chống HIV/AIDS hậu quả xảy ra sẽ như thế nào, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho biết nếu dịch xảy ra nếu không được dự phòng thì chắc chắn sẽ bùng lên. Điều trị tốt tức là dự phòng tốt vì mỗi một ngày nếu bệnh nhân không được điều trị thì virus HIV sẽ nhân lên đến 10 tỷ bản sao, khi đó, lượng virus trong cơ thể rất lớn. Nếu được điều trị tốt, liên tục thì trong cơ thể bệnh nhân chỉ còn khoảng 1.000 bản sao thì tỷ lệ lây lan rất thấp. Nếu không được điều trị, nguy cơ thứ nhất là dịch sẽ bùng phát trở lại; nguy cơ thứ hai là số bệnh nhân chết tăng rất nhanh; nguy cơ thứ 3 là nguy cơ kháng thuốc bởi vì điều trị lúc được lúc không.

HIV 291015.jpg
Tuyên truyền rộng rãi công tác phòng chống HIV/AIDS (Nguồn: Internet)

Theo Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long, thời gian tới là thời gian hết sức khó khăn đối với công tác phòng chống AIDS. Một mặt, các nguồn viện trợ cắt giảm và sẽ kết thúc nhanh, mặt khác thì ngân sách trong nước không đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia nữa. Tuy nhiên, phải tiếp tục cố gắng để duy trì, cũng như mở rộng hơn nữa các hoạt động phòng chống AIDS, không chỉ duy trì ở mức hiện tại mà phải tăng cường hơn nữa. Đặc biệt là các hoạt động liên quan đến dự phòng, giám sát dịch bệnh, phát hiện và tăng cường điều trị. Tăng cường lồng ghép và phân cấp, lồng ghép các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vào trong hệ thống y tế sẵn có và phân cấp về y tế cơ sở để giảm chi phí, tăng cường hiệu quả và đồng thời là tăng khả năng tiếp cận của người dân đến các dịch vụ này. Đồng thời, phải chuyển nhanh từ dựa vào nguồn viện trợ nước ngoài sang sử dụng nguồn tài chính trong nước, đó là nguồn ngân sách nhà nước và phải phát triển nhanh là BHYT. Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định, mở rộng diện bao phủ BHYT là vấn đề cốt yếu, đặc biệt với công tác điều trị HIV/AIDS. Trong thời gian sắp tới mà không mở rộng được BHYT, Nhà nước không có tiền đầu tư thì có thể nói là hết sức nguy hiểm, đại dịch có thể quay trở lại ngay.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về BHYT cho người nhiễm HIV có làm tăng gánh nặng cho Quỹ BHYT hay không, ông Trịnh Quân Huấn cho biết, BHYT được coi là giải pháp quan trọng trong điều trị HIV/AIDS. BHYT toàn dân là một chủ trương đúng đắn và việc huy động BHYT toàn dân cần phải nhanh chóng, khẩn trương, phấn đấu mục tiêu 80- 90% dân số có BHYT. Tuy nhiên, đối với BHYT liên quan đến bệnh nhân AIDS tương đối khó khăn. Đây là một vấn đề lớn cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục để định hướng cho những người nhiễm AIDS, họ cần tham gia BHYT để có thuốc điều trị, bởi vì họ đa số là những người nghèo, những người có thu nhập rất thấp. Cần phải nghiên cứu cơ chế cho việc mua và thanh toán thuốc điều trị HIV/AIDS để người bệnh được điều trị đúng, kịp thời.

Theo Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, không có một quốc gia nào mà đại dịch HIV/AIDS tự mất đi nếu chúng ta không có đầu tư, không có can thiệp. Đầu tư càng sớm thì càng tốt, vừa hiệu quả cao trong điều trị, đỡ tốn kinh phí và dễ thực hiện. Đầu tư càng muộn thì càng khó khăn. Việt Nam đang đạt được một kết quả hết sức quan trọng là giảm hơn 50% số trường hợp nhiễm mới hàng năm, số trường hợp tử vong và tình hình dịch đang diễn biến rất tốt. Nếu không có đủ kinh phí để duy trì và mở rộng hơn nữa thì rất có thể đại dịch sẽ quay trở lại trong thời gian sắp tới.

Dù khó khăn đến đâu, Nhà nước cũng phải cố gắng tìm những giải pháp, sử dụng nguồn tài chính trong nước, xã hội hóa, đặc biệt là BHYT để chúng ta có thể tiếp tục đẩy mạnh việc dự phòng dịch HIV/AIDS trong thời gian sắp tới.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn