Xây dựng bộ mã số an sinh xã hội kết nối với mã số định danh
08/10/2015 09:38 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dự báo tới năm 2020, đối tượng của chính sách an sinh xã hội ngày càng mở rộng, kinh phí chi cho lĩnh vực này ngày càng lớn. Do đó, nên xây dựng bộ mã số an sinh xã hội bảo đảm kết nối với mã số định danh nhằm quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội.
Đây là ý kiến được đưa ra từ hội thảo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tổ chức thực hiện chương trình an sinh xã hội diễn ra sáng ngày 07/10, tại Hà Nội.
Sự kiện do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, chính sách an sinh xã hội là một trong những nội dung ưu tiên của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Nguồn lực đầu tư cho an sinh xã hội liên tục tăng qua các năm. Trung bình mỗi năm, ngân sách Nhà nước chi khoảng 3-4 tỷ USD.
Trong số này, hơn 2,6 triệu đối tượng hưởng trợ giúp xã hội hằng tháng, chiếm 3% dân số; khoảng 5,8% hộ nghèo. Hơn bốn triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập. Quản lý 10,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp cho hơn 2,5 triệu người hằng tháng; hỗ trợ mua BHYT cho 75% dân số. Tuy nhiên, chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất và toàn diện quản lý đối tượng, phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước.
Dự báo tới năm 2020, chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam sẽ hướng tới nhiều nhóm đối tượng như khoảng ba triệu người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên. Khoảng tám triệu hộ nghèo, cận nghèo. Khoảng 29 triệu người tham gia BHXH (26 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và ba triệu người tham gia BHXH tự nguyện). Khoảng 77 triệu người tham gia BHYT. Khoảng tám triệu người có công...
Trong bối cảnh đối tượng của chính sách an sinh xã hội ngày càng mở rộng, kinh phí chi cho chính sách an sinh xã hội ngày một tăng. Do đó, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất vô cùng cần thiết.
Hiện nay, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp quốc gia liên quan đến an sinh xã hội có sáu lĩnh vực: lao động, thương binh xã hội (9 chỉ tiêu); BHXH (5 chỉ tiêu); giáo dục - đào tạo (4 chỉ tiêu); y tế (6 chỉ tiêu); công an (2 chỉ tiêu); tư pháp (1 chỉ tiêu). Ngoài ra còn có hệ thống chỉ tiêu cấp bộ, ngành.
Khó khăn hiện tại là hệ thống chỉ tiêu thống kê, báo cáo về an sinh xã hội, các hệ thống phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu an sinh xã hội chưa đồng bộ, thống nhất. Nguồn kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu còn hạn chế, cơ chế quản lý và khai thác thông tin.
Ông Hồi đề xuất, dự kiến trong giai đoạn 2016-2020, cần xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội đồng bộ, thống nhất, bảo đảm quản lý, cập nhật, khai thác thông tin an sinh xã hội chính xác, kịp thời, minh bạch và hiệu quả, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin quản lý của các cấp, các ngành và đối tượng có liên quan.
Trong giai đoạn tới, cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội cần tập trung các cơ sở dữ liệu thành phần về bảo trợ xã hội, giảm nghèo, người có công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Một trong những nội dung chính của cơ sở dữ liệu sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội; xây dựng bộ mã số an sinh xã hội bảo đảm kết nối với mã số định danh nhằm quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội. Từ đó, tổ chức chi trả trợ giúp xã hội thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ công; đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên./.
Theo nhandan.com.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT