Tổ chức Năng suất châu Á: Vì sao năng suất lao động Việt Nam chưa cao

23/10/2015 09:25 AM


Tổ chức Năng suất châu Á đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có năng suất lao động thấp nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương; chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

Trong tất cả các ngành nghề, năng suất lao động của Việt Nam chỉ nhỉnh hơn của Lào, Campuchia và Myanmar một chút, về cơ bản thấp hơn tất cả các nước ASEAN. Nếu tính theo giá cố định, theo mức USD của năm 2015 quy đổi theo sức mua tương đương, thì mức năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 chỉ đạt 5.500 USD, cao hơn Lào ở mức 5.400 USD, Campuchia ở mức 4.000 và Myanmar 3.000. Trong khi đó, Singapore là 98.000 USD, Brunei đạt 101.000 USD, Philippines đạt 10.100 USD và Thái Lan là 14.800 USD.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp chính là tiền lương, thu nhập cũng như chế độ đãi ngộ đối với người lao động. Theo đánh giá, tiền lương và năng suất lao động là mối quan hệ giữa tiêu dùng và sản xuất trong một nền kinh tế, cũng là mối quan hệ giữa làm và ăn, cống hiến và hưởng thụ của người lao động trong một tập thể doanh nghiệp. Giữa tiền lương, thu nhập và năng suất lao động có một điểm gắn kết như sợi dây ràng buộc, đó là quá trình lao động.

Vấn đề tăng NSLĐ trở thành động lực đối với người lao động khỉ khi họ đạt được mục tiêu của mình, trong đó mục tiêu hàng đầu là thu nhập. Đây là mục tiêu quan trọng nhất khiến người lao động làm việc, bởi vì thu nhập giúp người lao động trang trải cuộc sống của bản thân họ và gia đình, đảm bảo cho sự sống và phát triển. Bà Sandra Polaski, Phó Tổng Giám đốc ILO: “Nghiên cứu mới nhất về mối quan hệ giữa tiền lương và năng suất lao động của chúng tôi cho thấy, tăng tiền lương tối thiểu khiến cho người sử dụng lao động tìm cách tăng năng suất lao động thông qua đầu tư vào công nghệ, quy trình làm việc hiệu quả hơn. Chúng tôi khảo sát những người sử dụng lao động ở khu vực ASEAN về chiến lược của họ để tăng sức cạnh tranh, đại đa số lựa chọn giải pháp đầu tư để tăng cường kỹ năng cho người lao động và áp dụng công nghệ mới, tăng năng suất lao động”.

Nguồn TC BHXH