Người phát ngôn của Chính phủ: Tăng mức đóng BHYT HSSV phù hợp với mở rộng quyền lợi

02/10/2015 02:00 AM


Sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên- Người phát ngôn của Chính phủ đã trả lời một số vấn đề báo chí và dư luận quan tâm.

Liên quan đến việc thu BHYT HSSV, theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Quan điểm của Chính phủ đã được nêu tại Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH và BHYT. Quá trình thực hiện phải bảo đảm công bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đối tượng tham gia, nâng cao chất lượng KCB; đặc biệt quan tâm thực hiện hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn.

Năm học 2015- 2016 là năm đầu triển khai theo cách thu mới (theo năm tài chính), số tháng được tính gồm 12 tháng của năm 2016 và 3 tháng còn lại của năm 2015 (theo cách thu cũ), tổng cộng là 15 tháng, các năm sau là 12 tháng. Tuy nhiên, khi thực hiện, một số cơ sở giáo dục thu gộp một lần 15 tháng, gây khó khăn cho phụ huynh học sinh, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trước tình hình này, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT và BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các cơ sở thu thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC. Việc thực hiện thu với thời gian 6 tháng/lần. Riêng với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, yêu cầu các cơ sở giáo dục chỉ thu trước 3 tháng của năm 2015. Hiện tại, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng đang giám sát, kiểm tra việc thực hiện thu BHYT theo chỉ đạo trên.

Theo quy định pháp luật về BHYT có hiệu lực từ 1/1/2015, mức đóng BHYT của các đối tượng, trong đó có HSSV được điều chỉnh từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở để phù hợp với yêu cầu mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT và nâng cao chất lượng KCB; nâng mức BHYT thanh toán KCB cho người nghèo từ 95% lên 100%, cận nghèo từ 80% lên 95%; đồng thời thống nhất mức đóng giữa các đối tượng tham gia.

Tuy nhiên, cơ bản HSSV đều được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT ở các mức khác nhau. Cụ thể, HSSV thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo; thân nhân của đối tượng thuộc lực lượng vũ trang được NSNN đóng 100%; HSSV thuộc hộ gia đình cận nghèo được NSNN hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT, HSSV đóng 30% là 186.300 đồng/năm; HSSV khác được NSNN hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT, HSSV đóng 70% là 434.700 đồng/năm.

Liên quan tới việc đấu thầu thuốc chữa bệnh tập trung cấp quốc gia được coi là giải pháp để bảo đảm tính công khai, minh bạch, ngăn chặn tình trạng thông thầu, đẩy giá thuốc lên cao. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được thực hiện. Vậy đến khi nào biện pháp trên sẽ được thực hiện? BHXH Việt Nam hay Bộ Y tế sẽ được giao chủ trì thực hiện việc đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Thực hiện quy định tại Điều 49, Điều 51 của Luật Đấu thầu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, trong đó đã giao Bộ Y tế chủ trì thực hiện việc đấu thầu thuốc tập trung; xây dựng lộ trình và hướng dẫn mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, các Thông tư hướng dẫn về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc trong các cơ sở y tế, bao gồm cả hướng dẫn đấu thầu tập trung và đàm phán giá; các danh mục thuốc do cơ sở y tế đấu thầu, đấu thầu tập trung, đàm phán giá đang được Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và BHXH Việt Nam hoàn thiện để ban hành trong Quý IV năm 2015, bảo đảm từ năm 2016 thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo đúng quy định.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn