Điều chỉnh giá DVYT được BHYT thanh toán: Ai lợi, ai thiệt?

13/10/2015 08:09 AM


Liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam đang hoàn tất dự thảo Thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ y tế KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc. Dự kiến, Thông tư này sẽ được ban hành và có hiệu lực trong tháng 11/2015.

 

Ông Nguyễn Nam Liên- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, theo dự thảo Thông tư này, toàn bộ khoảng 1.800 dịch vụ y tế (DVYT) trong danh mục đang được BHYT thanh toán đều sẽ được điều chỉnh giá. Đáng chú ý, liên Bộ sẽ ban hành mức giá cố định để tất cả các BV công lập trong toàn quốc áp dụng, thay vì khung giá tối đa để địa phương căn cứ vào đó để tự xây dựng giá cụ thể như hiện nay. Đặc biệt, các BV đồng hạng sẽ có chung một mức giá.

Giá dự kiến ban hành là mức giá hiện nay có bổ sung chi phí chi trả phụ cấp đặc thù (gồm phụ cấp thường trực 24/24 giờ; phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật) và tiền lương. Như vậy, giá các DVYT bao gồm các yếu tố: Giá khám bệnh, phân theo hạng BV (BV hạng đặc biệt và hạng 1 chung mức giá); giá ngày giường bệnh phân theo hạng và chuyên khoa; giá các dịch vụ kỹ thuật áp dụng chung cho tất cả các hạng BV. Riêng chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của thầy thuốc sẽ được tính thêm theo lộ trình. Cụ thể: Từ cuối tháng 11, tính thêm phụ cấp đặc thù gồm phụ cấp trực 24/24 giờ; phụ cấp phẫu thuật và thủ thuật; Từ 1/3/2016, tính đủ 4 trong 7 yếu tố gồm các chi phí trực tiếp và tính thêm chi phí tiền lương.

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết thêm: Giá DVYT theo Thông tư mới này chỉ áp dụng với người bệnh thanh toán BHYT. Còn đối với người không có thẻ BHYT vẫn áp dụng theo mức giá hiện nay. Trong năm 2016, liên Bộ sẽ cân nhắc thời điểm phù hợp để chính thức điều chỉnh theo giá DVYT mới.

Lý giải về lộ trình điều chỉnh giá DVYT, ông Liên cho biết, lần điều chỉnh này không phải là tăng chi phí để thực hiện các DVYT mà chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các BV vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT. “Giá DVYT không như giá các hàng hóa, dịch vụ khác mà là quyền lợi của người bệnh được hưởng khi tham gia BHYT hoặc mức bồi hoàn chi phí KCB của BHYT cho người bệnh có thẻ BHYT. Việc tăng giá DVYT là cơ sở để cơ quan BHXH thay mặt cho người dân thanh toán cho BV”.

Ông Liên phân tích: Giá DVYT tính đúng tính đủ thì phải bao gồm 7 yếu tố chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hiện nay mới tính 3 yếu tố đầu tiên. Sau 3 năm điều chỉnh giá, hầu hết địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60-80% của 3 yếu tố nhưng đã mang lại những hiệu quả nhất định. Cụ thể, các BV sử dụng 15% tiền khám bệnh, ngày giường để mua thêm giường, ghế ngồi, cải tạo, sửa chữa phòng khám... Đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng, nếu giá DVYT không tính đúng, tính đủ, nhiều người dân sẽ không tham gia BHYT mà sẽ bỏ tiền túi ra chi trả (chủ yếu là người có tiền). Vì thế, nếu tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, người dân sẽ thấy được lợi ích khi tham gia BHYT. Đồng thời, phương án này cũng sẽ khuyến khích các BV tuyến dưới phát triển kỹ thuật, người dân sẽ được sử dụng các dịch vụ và được BHYT thanh toán ngay tại địa bàn. Y tế cơ sở sẽ có điều kiện để phát triển, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn tuyến dưới.

Bộ Y tế dự báo, với việc tăng giá DVYT theo dự thảo Thông tư này, nhóm bị ảnh hưởng là những người phải đồng chi trả 20%, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều, bởi người bệnh sẽ không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa đưa vào giá. Đặc biệt, khoảng 23,7 triệu người là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT được hưởng mức thanh toán KCB BHYT 100% sẽ có lợi hơn. Riêng những người chưa có thẻ BHYT, chắc chắn gánh nặng viện phí sẽ tăng cao hơn, tuy nhiên, theo lộ trình dự kiến thì năm 2016 đối tượng chưa có thẻ BHYT mới thực hiện theo mức giá mới này.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang kỳ vọng việc giá DVYT tiến tới tính đủ chi phí, trong đó có bao gồm chi phí tiền lương sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế. BV sẽ phải phục vụ người bệnh tốt hơn thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ vì NSNN sẽ không cấp trực tiếp cho các BV nữa.

Ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cũng cho rằng, ngay từ bây giờ, BV và nhân viên y tế cần thay đổi khái niệm "ban ơn" cho người bệnh và BV phải coi người bệnh là khách hàng, là trung tâm và nhân viên y tế là người phục vụ.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn