“Hướng tới một hệ thống BHXH minh bạch, bền vững và dễ tiếp cận”
18/09/2015 09:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là chủ đề cuộc đối thoại chính sách do Trung tâm nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức ngày 17/9/2015, tại Hà Nội. Tham gia bổi đối thoại có nhiều chuyên gia nghiên cứu về BHXH đến từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Thế giới (WB) … Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Hợp tác truyền thông góp phần cải thiện chính sách kinh tế" với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Canada thông qua Bộ Ngoại giao, Thương Mại và Phát triển (DFATD).
Diện bao phủ BHXH chuyển biến rõ rệt
Tại đối thoại, tổng quan về an sinh xã hội và hệ thống BHXH Việt Nam, thách thức và các giải pháp của việc thu hút lao động khu vực phi chính thức vào hệ thống BHXH, những rào cản của lao động di cư khi tiếp cận BHXH,… đã được các chuyên gia, các đại biểu tham gia đưa ra thảo luận.
Theo Bà Đoàn Thị Thu Hương (Học viện Tài chính), an sinh xã hội tại Việt Nam hiện nay được phát triển trên bốn trụ cột: Việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người nghèo; BHXH, BHYT; Trợ giúp xã hội cho các nhóm đặc thù; Các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt và thông tin cho người dân. Trong đó, BHXH, BHYT là trụ cột quan trọng được coi là xương sống của hệ thống an sinh xã hội và có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động và người dân.
Để đảm bảo sự bền vững cho hệ thống BHXH và an sinh xã hội Việt Nam, từ khi thành lập chính sách về BHXH của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt là sự thay đổi về nguồn tạo lập quỹ BHXH nhằm đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững của hệ thống BHXH nói riêng, hệ thống an sinh xã hội nói chung.
Bà Hương đưa minh chứng về sự thay đổi của đối tượng tham gia BHYT trong các quy định về chính sách này. Tại Điều lệ BHXH năm 1995, mới thực hiện BHXH bắt buộc đối với công chức, viên chức Nhà nước và người lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên thì Luật BHXH năm 2006 đã mở rộng đối tượng bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ 03 tháng trở lên. Luật BHXH năm 2006 đã mở rộng hình thức BHXH tự nguyện nhằm thực hiện đường lối đổi mới trong chính sách của Đảng và Nhà nước ta, tiến tới BHXH cho mọi người lao động. Luật BHXH năm 2014 mở rộng thêm 03 đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia là: người lao động theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Bên cạnh đó, các chế độ BHXH đã được thiết kế phù hợp và đảm bảo công bằng giữa mức đóng và mức hưởng, quyền lợi của người lao động, người thụ hưởng BHXH được đảm bảo hơn, trách nhiệm của các bên được quy định cụ thể, rõ ràng, phù hợp với sự thay đổi và phát triển của nền kinh tế. Từ đó, diện bao phủ BHXH đã có sự thay đổi rõ rệt.
Tổng số lao động tham gia BHXH tăng từ 4,7 triệu người năm 2003 lên mức 8,2 triệu người năm 2007, đạt mức 10,5 triệu người năm 2012. Năm 2013, sau 07 năm thực hiện Luật BHXH, số người tham gia BHXH bắt buộc là 10,9 triệu người, tăng 46,5% so với năm 2007, tăng gấp 4,7 lần so với năm 1995. Năm 2014, số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 11,23 triệu người, tăng 10% so với năm 2013, tăng 1,07 lần so với năm 2012; số tham gia BHXH tự nguyện là 190.000 tăng 10,9% so với năm 2013. Dù vậy, diện bao phủ BHXH mới chỉ đạt 1/5 lực lượng lao động.
Tăng cường hệ thống quản lý BHXH
Xem xét tổng quan về thực hiện chính sách BHXH, các nhà nghiên cứu cũng đã chia sẻ nhiều ý kiến đánh giá về những thách thức trong việc phát triển, mở rộng diện đối tượng tham gia BHXH ở Việt Nam; trong đó vấn đề già hóa dân số, thu hút lao động phi chính thức (lao động tự do, không ký hợp đồng lao động) tham gia BHXH được đề cập đến nhiều hơn cả.
Thực tế, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang nhanh hơn so với dự báo. Kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy, chỉ số già hóa dân số của Việt Nam tăng từ 24,3% lên 35,5% do tỷ lệ người cao tuổi tăng. Năm 2012, nước ta đã có trên 10% dân số ở độ tuổi trên 60. Theo điều tra dân số năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi đã hơn 8,6 triệu người, chiếm gần 10% dân số, tỷ lệ người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm 7% dân số.
Thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam chỉ khoảng 18-20 năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia khác như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Hoa Kỳ (70 năm), Nhật Bản (26 năm). Với tình trạng giá hóa dân số nhanh ở Việt Nam đang đe dọa đến sự mất cân đối giữa nguồn quỹ BHXH và mức độ thụ hưởng BHXH.
Các ý kiến chuyên gia đều thống nhất: Bảo đảm an sinh xã hội cho người già hiệu quả hơn cần có chiến lược dài hạn, chủ động thực hiện sớm.
Một thách thức nữa đối với hệ thống BHXH ở Việt Nam chính là có một tỷ lệ lao động không hề nhỏ ở trong khu vực lao động phi chính thức. Lực lượng lao động khu vực phi chính thức có xu hướng trẻ hóa; trình độ học vấn chuyên môn kỹ thuật tương đối thấp; thu nhập từ công việc thấp và không ổn định (trung bình đạt từ 2,2 – 2,5 triệu/tháng); đa số làm các công việc lao động đơn giản trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng lao động, không tham gia BHXH, BHYT,…
Lao động khu vực phi chính thức là các đối tượng thuộc các nhóm yếu thế trong xã hội nên thường có tâm lý e ngại, tự ti, chủ yếu giao tiếp theo các nhóm, ngành hoặc nhóm cùng khu trọ, hội đồng hương; có việc làm bấp bênh, không ổn định, dễ bị bạo hành, xâm hại. Lao động thuộc khu vực này đặc biệt khó tiếp cận với các chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chính sách, pháp luật về an sinh xã hội nói riêng.
Để giải quyết những vấn đề trên, một số khuyến nghị được đưa ra tại buổi đối thoại như: Cần khéo léo trong thiết kế hệ thống an sinh xã hội, tương quan với các chính sách bảo trợ cho người cao tuổi, không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện, linh hoạt trong phương thức đóng, hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện,…
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông với những hình thức phù hợp giúp người lao động nhận thức đầy đủ lợi ích, quyền lợi của các chính sách an sinh xã hội, từ đó chủ động tham gia.
Một nội dung cũng rất được quan tâm tại buổi đối thoại, đó là tăng cường hệ thống quản lý BHXH Việt Nam. Qua đánh giá, so sánh với một số nước trong khu vực, các ý kiến khuyến nghị đều cho rằng cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến mạnh các quy trình nghiệp vụ theo hướng tự động hóa, qua đó vừa nâng cao tính minh bạch, vừa bảo đảm hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống./.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT