Xử lý vi phạm BHXH, BHYT theo pháp luật hình sự: Chế tài cần thiết
17/09/2015 04:03 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) phù hợp với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Trong đó, nội dung cơ bản của nó là ghi nhận và bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp và chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam trên mọi mặt kinh tế, xã hội và đối ngoại.
Tòa án xét xử một vụ kiện đòi nợ BHXH
Dự thảo luật này cũng thể hiện đúng vai trò là công cụ hữu hiệu để bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Đặc biệt, là việc góp phần duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp vào quá trình hội nhập và phát triển kinh tế; bảo đảm tính minh bạch, công khai, góp phần huy động và phát huy được hết các nguồn lực vật chất trong xã hội.
Có thể nói, nó đã đáp ứng được sự phát triển, bổ sung và đề cao quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp 2013, làm cho các quyền này của người dân được thực hiện trên thực tế, như: Xử lý nghiêm các hành vi xâm hại các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Từ đó, có hình phạt theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; giải quyết được những bất cập, tồn tại trong thực tiễn, nhất là đã “tội phạm hóa” các hành vi nguy hiểm cho xã hội phát sinh trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực BHXH, BHYT như: Trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm; gian lận và trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ…
Điều 34, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Tuy nhiên, trong thực tế, tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số lượng DN trốn đóng BHXH, BHYT còn khá lớn; việc chấp hành quy định trích nộp BHXH hằng tháng của các DN đang tham gia BHXH chưa cao.
Để pháp luật hình sự sửa đổi là công cụ pháp lý quan trọng và sắc bén trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, thì việc bổ sung trách nhiệm hình sự của cá nhân và pháp nhân về các tội trốn đóng BHXH, BHYT là cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên, cũng cần bổ sung thêm một số nội dung, như:
- Phải tăng cường thêm mức tiền phạt đối với các trường hợp đã được áp dụng các biện pháp xử lý hành chính hoặc xử lý của pháp luật dân sự (theo tỷ lệ số lần so với số tiền phải nộp BHXH, BHYT; tăng theo số lần vi phạm đã bị xử lý).
- Pháp nhân chỉ chịu trách nhiệm hình sự, nếu vi phạm Điều 220 với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ; chứ không áp dụng truy cứu trách nhiệm hình sự cho hành vi gian lận BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Điều 218, Điều 219. Do đó, cần xem xét lại chủ thể của từng hành vi để thống nhất trong việc áp dụng vào thực tiễn.
- Bổ sung quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân cụ thể trong pháp nhân đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, như: Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, giám đốc, kế toán trưởng… Vì, thực tế thời gian qua cho thấy, việc vi phạm của pháp nhân xuất phát từ vai trò chủ yếu và quyết định theo trách nhiệm, quyền hạn của các cá nhân nói trên (không thực hiện quyết định thanh, kiểm tra; có vai trò quyết định trong việc chiếm dụng tiền đóng BHXH, không thực hiện trích nộp BHXH, BHYT; cấu kết lạm dụng chiếm đoạt quỹ BHXH, BHYT…).
Về mức xử phạt các tội về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đa số CCVC của BHXH TP.HCM đều kiến nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh theo hướng xử phạt nặng hơn, những vi phạm này ngày càng phổ biến, không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ, mà còn ảnh hưởng đến ổn định, trật tự xã hội.
Cũng theo BHXH TP.HCM, thực tế trên địa bàn Thành phố và một số tỉnh, thành khác đã xuất hiện loại tội phạm mới trong lĩnh vực BHXH, như thành lập công ty làm vỏ bọc để trục lợi BHXH, nhưng chưa được dự thảo luật đề cập đến. Vì vậy, việc xử lý loại tội phạm này cũng cần phải được bổ sung vào Điều 76 của dự thảo luật. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng nên thống nhất trong việc sử dụng ngôn ngữ diễn đạt như: “Cơ quan BHXH” và “Tổ chức BHXH”.
(Trích ý kiến góp ý của BHXH TP.HCM)
Nguồn baobaohiemxahoi.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT