Sửa đổi Luật Dược: Cơ hội cho thuốc nội

22/09/2015 03:45 AM


Dù phải phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài do có hơn 50% thuốc thành phẩm và 90% nguyên liệu thuốc phải nhập khẩu, nhưng hiện nay công tác quản lý giá thuốc, quản lý sản xuất thuốc và thuốc nhập khẩu còn nhiều bất cập... Do đó, Luật Dược (sửa đổi) sẽ phải đảm bảo quản lý để khuyến khích thuốc sản xuất trong nước.

Ưu tiên thuốc nội

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sau 10 năm thực hiện Luật Dược, ngành Dược vẫn chưa trở thành ngành kinh tế- kỹ thuật mũi nhọn. Các cơ sở sản xuất thuốc trong nước do hạn chế về nguồn lực nên chủ yếu đầu tư các dây chuyền bào chế đơn giản; chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc tận dụng tối đa nguồn dược liệu có sẵn nhằm thúc đẩy sản xuất, sử dụng thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền cũng như thuốc sắp hết hạn bằng sáng chế hoặc các độc quyền có liên quan để vừa bảo đảm được chất lượng thuốc, vừa bảo đảm hiệu quả điều trị, đồng thời giảm chi phí cho người sử dụng.

Cần có chính sách khuyến khích để phát triển ngành Dược

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân. Sản xuất thuốc ở trong nước mới đáp ứng được 50% nhu cầu; riêng nguyên liệu, bao bì sử dụng để sản xuất thuốc trong nước vẫn phải nhập tới 90% từ nước ngoài. Hiện có hơn 25.000 mặt hàng thuốc với gần 1.000 hoạt chất, mỗi hoạt chất lại có rất nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, dạng bào chế, nhà sản xuất khác nhau nên việc xác định mức giá tối đa cho tất cả các mặt hàng là “không khả thi”. “Do đó, dự thảo Luật Dược (sửa đổi) sẽ ưu tiên nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất dược phẩm… Cùng với đó sẽ ưu tiên sử dụng thuốc trong nước. Đối với thuốc mua từ vốn nhà nước, quỹ BHYT, nguồn thu từ dịch vụ KCB… dự thảo Luật quy định không chào thầu thuốc nhập khẩu có cùng nhóm tiêu chí kỹ thuật với thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp”- bà Tiến nhấn mạnh.

Về phát triển công nghiệp dược, bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nếu có chính sách ưu tiên đủ mạnh cho việc nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn nguyên liệu sẵn có thì không những phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu.

Về vấn đề kiểm tra tại nhà máy sản xuất đối với thuốc nhập khẩu, bà Mai cho rằng, khi nhập khẩu thuốc, các nước nhập khẩu phải đến nước sản xuất để kiểm tra, đánh giá và quyết định việc nhập khẩu (chi phí kiểm tra do cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm). Tuy nhiên, dù nhập khẩu nhiều loại thuốc, nhưng Việt Nam lại chưa có quy định đó nên chưa bình đẳng và khó kiểm soát nguồn cung cấp cũng như chất lượng của thuốc nhập khẩu.

Khuyến khích phát triển y học cổ truyền

Cũng theo bà Mai, dự thảo Luật Dược cần nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể về ưu tiên phát triển thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; nuôi trồng dược liệu làm thuốc, các quy định đặc thù nhằm sử dụng thuốc Nam được thu hái và nuôi trồng tại Việt Nam; gìn giữ và nâng cao các bài thuốc gia truyền quý và bài thuốc do cơ sở y học cổ truyền sản xuất. Các quy định về thử lâm sàng và đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền dân tộc cần công khai, minh bạch, tránh cơ chế xin cho, tạo điều kiện cho y học cổ truyền phát triển như cho phép lưu hành, không cần thử lâm sàng các bài thuốc cổ truyền đã sản xuất, lưu hành và sử dụng trên 10 năm có hiệu quả, không có khiếu nại về chất lượng của thuốc, các loại thuốc cổ truyền mới sử dụng, có chứng minh kết quả tốt trên số lượng bệnh nhân nhất định. Ưu tiên đưa các dạng thuốc cổ truyền vào danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán. “Một ca bỏng 15- 20%, điều trị ở bệnh viện tây y hết 20 triệu nhưng lương y/bệnh viện YHCT dùng bài thuốc cổ truyền chữa khỏi mà chi phí có thể thấp hơn thì nên xem xét để khoán mức tiền mà quỹ BHYT thanh toán cho họ”- bà Mai phân tích.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, dự thảo Luật cũng chưa đề cập gì về thuốc gia truyền trong khi nhiều bài thuốc hay, hiệu quả đã được thể hiện trong thực tế. Vì vậy, nếu cứ quy định thuốc phải đăng ký và được Bộ trưởng công nhận mới được chữa trị thì không bao giờ phát huy được. Bởi vậy, cần có chính sách khuyến khích, khen thưởng, hợp tác”.

Đồng quan điểm, ông Ksor Phước- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng cần quan tâm chính sách phát triển y học cổ truyền mạnh hơn, rõ ràng hơn. “Luật phải nói rõ chính sách bảo tồn và phát huy thuốc cổ truyền; đề cập hình thành và quy hoạch vùng nguyên liệu thuốc cổ truyền, đầu tư nghiên cứu khoa học để từ gia đình sản xuất có thể khuyến khích mở rộng được. Nếu không những thầy thuốc giỏi và bài thuốc hay sẽ mất”- ông Ksor Phước đề nghị.

Nguồn baobaohiemxahoi.vn