Các địa phương được lựa chọn phương án thu BHYT học sinh, sinh viên

15/09/2015 08:04 AM


Ông Trần Đình Liệu- Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) khẳng định: Một trong những lý do điều chỉnh mức tăng phí BHYT là mở rộng thêm quyền lợi cho người tham gia BHYT. Việc quy định HSSV tham gia BHYT theo năm tài chính cũng để giảm bớt áp lực các khoản thu đầu năm học...

Công bằng đóng - hưởng

Giải thích về việc điều chỉnh mức đóng BHYT của nhóm HSSV từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở, ông Liệu cho biết: Đây là quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, Quốc hội quy định cụ thể mức đóng BHYT cao nhất là 6%, tuy nhiên để phù hợp với kinh tế- xã hội hiện nay, mức đóng mới chỉ điều chỉnh lên 4,5%. Nhưng căn cứ để xác định số tiền đóng cụ thể lại phụ thuộc từng nhóm đối tượng khác nhau. Ví dụ, NLĐ đang làm việc có hưởng lương, thì thu theo mức tiền lương, còn người không có lương sẽ thu theo mức lương cơ sở.

Thông điệp vận động HSSV tham gia BHYT được chuyển tải dưới nhiều hình thức

Ông Liệu khẳng định, thực hiện tỉ lệ đóng chung cho tất cả các đối tượng tham gia BHYT là để đảm bảo sự công bằng khi quyền lợi cũng được mở rộng cho tất cả các đối tượng tham gia, cũng như khẳng định tính cộng đồng của BHYT là lấy số đông bù số ít. Tỉ lệ đóng này cũng được Quốc hội cân nhắc thận trọng đến thu nhập, điều kiện kinh tế- xã hội theo từng nhóm đối tượng. Nhóm HSSV không có lương, phụ thuộc nên đóng theo mức lương cơ bản để đảm bảo các bậc phụ huynh có khả năng tham gia được. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có cơ chế tháo gỡ khó khăn, đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT cho các nhóm đối tượng yếu thế. Cụ thể, với HSSV là con em gia đình nghèo, đối tượng cận nghèo sinh sống ở vùng khó khăn được NSNN hỗ trợ 100%; HSSV thuộc hộ cận nghèo còn lại được hỗ trợ 70%, nhưng hiện đã có tới 33 tỉnh, thành phố dùng ngân sách địa phương hỗ trợ 30% mức phí còn lại (tính chung là được hỗ trợ 100%). Ngoài ra, còn có con em sĩ quan quân đội, sĩ quan công an cũng được cấp thẻ BHYT miễn phí… Các đối tượng HSSV còn lại khi tham gia BHYT cũng được NSNN hỗ trợ 30%.

Một trong những lý do để điều chỉnh mức đóng tăng, là do quyền lợi BHYT đã được mở khá rộng. Cụ thể như, đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số không còn phải cùng chi trả 5% chi phí KCB. Một số trường hợp bệnh không được Quỹ BHYT chi trả thì nay lại được. Ví dụ, tổn thương thể chất tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật, điều trị tật khúc xạ đối với trẻ em dưới 6 tuổi…

Bên cạnh đó, việc mở thông tuyến điều trị theo lộ trình cũng làm tăng cơ hội tiếp cận cơ sở y tế tốt hơn cho mọi đối tượng tham gia BHYT, trong đó có HSSV... Đặc biệt, trên thực tế, chi phí y tế đang có xu hướng gia tăng khi các kỹ thuật chẩn đoán điều trị, các loại thuốc mới với tính năng hiệu quả cao hơn liên tục được cập nhật, ứng dụng tại Việt Nam. Song song với đó, lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế đang được thực hiện sẽ làm chi phí y tế tiếp tục tăng lên. Việc điều chỉnh mức phí là điều kiện đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người tham gia BHYT, hạn chế chi tiêu từ tiền túi của người dân khi đi KCB, đồng thời tiến dần đến nguyên tắc mức đóng phù hợp với mức hưởng.

Ông Liệu nhấn mạnh: BHXH chỉ là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý quỹ, đảm bảo quỹ được chi dùng hiệu quả. Ngay cả trong trường hợp Quỹ BHYT có kết dư, số tiền này vẫn được dùng chi trả các hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân, không chuyển đổi sang các hình thức khác.

Linh hoạt các hình thức thu

Giải thích về quy định chuyển hình thức thu BHYT HSSV theo năm tài chính (từ ngày 1/1- 31/12 của năm) thay vì năm học như trước đây, ông Liệu cho biết: Một trong những lý do cho sự điều chỉnh này trong Luật BHYT 2014 là nhằm giảm bớt áp lực các khoản thu đầu năm học cho các gia đình HSSV. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc triển khai BHYT HSSV trong năm đầu tiên thực hiện, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo cơ quan BHXH các địa phương phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở Tài chính tham mưu, xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh hướng dẫn thu đóng BHYT một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện địa phương.

BHYT góp phần giáo dục toàn diện cho HSSV

Đến nay, có 58 tỉnh, thành phố chọn thu theo năm tài chính nhưng theo các hình thức linh hoạt khác nhau, trong đó nhiều địa phương tạm thời thu 3 tháng cuối của năm 2015, rồi thực hiện thu tiếp của năm 2016 theo 6 tháng hoặc 9 tháng, 1 năm.

Như vậy, việc thu BHYT có thể phụ thuộc vào điều kiện của từng nhà trường, địa phương, mỗi nơi chủ động cách thu khác nhau cho phù hợp. Có 8 tỉnh chọn phương án đóng theo năm tài chính với phương án thu gộp 15 tháng. Tuy nhiên, trước phản ánh là phương thức thu này chưa phù hợp với người dân, BHXH Việt Nam đã trực tiếp chỉ đạo BHXH 8 tỉnh này phối hợp với ngành GD-ĐT xin ý kiến Tỉnh ủy, UBND tỉnh sửa đổi sang hình thức thu 3 tháng còn lại của năm 2015 và phân kỳ đóng BHYT của năm 2016 theo 6 tháng thu một lần, hoặc thu 9 tháng, sau đó thu 3 tháng còn lại của năm 2016.

“Cơ quan BHXH phải linh hoạt trong thực hiện chính sách, không ngại phải phát sinh thêm việc khi chia phân kỳ đóng BHYT cho nhóm HSSV. Đảm bảo thu đủ phí BHYT, cũng như tuyên truyền, thực hiện tốt BHYT HSSV, đạt độ bao phủ 100% là nhiệm vụ chung của cả ngành GD-ĐT và BHXH. Điều này đã được quy định rõ trong Luật BHYT 2014 cũng như Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 2/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ”- ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh.

Theo ông Liệu, các hướng dẫn này mới là giải pháp tạm thời để tháo gỡ các vướng mắc cho năm 2015, bởi quy định của Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính vẫn đang giới hạn thời hạn sử dụng thẻ của nhóm HSSV trong năm tài chính. Để việc thực hiện BHYT HSSV được hiệu quả, phù hợp với từng nơi, BHXH Việt Nam đang kiến nghị sửa đổi quy định này của Thông tư 41 theo hướng cho phép nhà trường và các địa phương lựa chọn phương thức đóng BHYT theo năm tài chính hoặc năm học, theo khóa học… không cứng nhắc một phương án thu.

Trước thắc mắc của một số phụ huynh HSSV về lựa chọn hình thức tham gia BHYT cho con em, ông Liệu cho biết: Các trường hợp phụ huynh muốn đăng ký tham gia BHYT cho con em theo hộ gia đình để được giảm trừ theo Luật BHYT (người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất) vẫn được chấp nhận. Các gia đình có thể tự cân đối, tính toán hình thức tham gia BHYT nào có lợi nhất.

Tuy nhiên, ông Liệu cho rằng, nhóm HSSV tham gia BHYT tại nhà trường sẽ đảm bảo sự công bằng hơn, cũng như thuận lợi hơn cho nhà trường trong quản lý, chăm sóc sức khỏe HS. “Luật BHYT đã quy định Quỹ BHYT được phép để lại một phần số thu BHYT HSSV nhằm thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) tại các nhà trường. Theo đó, các cơ sở giáo dục mầm non được trích trừ lại 5% và 7% đối với các cơ sở giáo dục khác. Việc quản lý, sử dụng nguồn quỹ này cũng đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT/BYT-BTC, số tiền này được chi vào việc mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho trẻ em, HSSV khi bị tai nạn thương tích và các bệnh thông thường trong thời gian học tại cơ sở giáo dục; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường phục vụ CSSKBĐ. Nguồn này không dùng trả lương cho cán bộ y tế tại trường... Do đó quỹ này sẽ tạo điều kiện cho y tế trường học phát triển và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình là CSSK cho các em”- ông Liệu phân tích.

Lương Thảo

Trước một số khó khăn vướng mắc khi triển khai thực hiện BHYT đối với đối tượng HSSV, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo các Sở GD-ĐT, các cơ sở đào tạo phối hợp với cơ quan BHXH địa phương thực hiện việc thu BHYT HSSV 6 tháng một lần và tránh thu vào đầu năm học. Sử dụng nguồn trích lại của Quỹ BHYT cho cơ sở giáo dục để thực hiện nhiệm vụ CSSKBĐ và sơ cứu theo đúng quy định. Các cơ sở giáo dục không tổ chức thu các khoản BH tự nguyện.

Bộ GD-ĐT cũng đã đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu và điều chỉnh về phương thức đóng BHYT cho đối tượng HSSV quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC, cụ thể là: Định kỳ đóng BHYT là 3 tháng đối với nhóm đối tượng là HSSV. Thời gian thu BHYT đối với các cơ sở giáo dục vào khoảng đầu tháng 12 của năm dương lịch..

Nguồn baobaohiemxahoi.vn