Thứ Sáu, ngày 10/01/2025

Bệnh viện: Ngoài nhếch nhác, trong nhộn nhạo

15/01/2013 04:11 AM


Chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” với những ai từng chẳng may phải nằm viện hay chăm người.

 


Ma trận hàng rong, quán bẩn

Ngay trước cổng Bệnh viện (BV) Phụ sản TƯ, dù lực lượng an ninh phường túc trực thường xuyên, song chỉ cách đó vài bước chân là những dãy hàng ăn mọc lên như nấm sau mưa. Mạnh ai nấy bán, một đoạn vỉa hè giáp ranh đường Tràng Thi và phố Triệu Quốc Đạt dễ chừng phải có đến dăm chục quán hàng ăn lố nhố. Đáng chú ý, mọi đồ đựng thức ăn đều không được che chắn đảm bảo. Dăm chiếc ghế ngồi tại một góc đường. Phía dưới là những hố ga nứt, vỡ nắp, bốc mùi hôi thối. Người bán hàng thì tay trần bốc thức ăn cho khách. Bát đĩa khách ăn xong chỉ được tráng qua quýt trong xô nước nổi váng dầu, rồi lau qua bằng chiếc khăn nhàu nát, để tiếp tục đưa vào phục vụ các “thượng đế”. Những quán ăn này lại luôn đông khách, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thực phẩm chỉ bởi thức ăn rẻ hơn, tiện hơn. Không chỉ vậy, những quán hàng rong này còn ảnh hưởng không nhỏ tới việc lưu thông của các phương tiện và người qua đây. Khi đông khách, chủ hàng còn không ngần ngại đẩy xe hàng và đồ nghề xuống lòng đường, nhường chỗ cho thực khách ngồi. Cũng có không ít các chủ hàng vì mâu thuẫn, giành khách mà to tiếng, làm huyên náo cả một góc phố.

“Ngả đâu là giường...”

Xin mượn một vế của câu thành ngữ để ứng vào hoàn cảnh nhếch nhác tại các BV tuyến trung ương - hệ quả của sự quá tải hiện nay. Nguyên nhân của sự ùn ứ đó xuất phát từ tình trạng quá tải bệnh nhân. “Đính kèm” theo mỗi bệnh nhân là 2 - 3 người thân chăm nom, khiến cho các BV càng thêm ngột ngạt. Đó là chưa kể khi đến đây, nhiều người dân còn mang theo cả những thói quen xấu như xả rác bừa bãi, làm nhiều việc tùy tiện... Tại BV Phụ sản T.Ư, cảnh nhốn nháo chen nhau lấy số khám bệnh khiến nhiều người không khỏi ngán ngẩm. Vào sâu vài bước là cảnh người ngồi, nằm la liệt bên hành lang, thậm chí là nằm cả ra ghế chờ. Rồi chăn chiếu, đồ dùng cá nhân... được chất chồng lên nhau lấn chiếm cả lối đi đã trở thành những cảnh không đẹp mắt. Khi đã gần 2h chiều là thời điểm người nhà bệnh nhân ùn ùn kéo ra ngoài vì hết giờ thăm, khiến khuôn viên BV như chồng xếp người.

Ngay trước cửa khoa đẻ, nhiều người tranh thủ khoảng trống để trải chiếu ra ngả lưng, bất kể sự ái ngại của người qua lại. Thậm chí, một khoảng hẹp nơi đỗ xe cũng được tận dụng để qua giấc. Chúng tôi vô tình bắt gặp một đôi vợ chồng trẻ đang loay hoay tìm một chỗ để ngồi tạm, song rồi thất bại, bởi mọi ngóc ngách đều đã kín mít. Hỏi ra mới hay, anh chị đến từ tỉnh Yên Bái, cô vợ đang mang bầu, lại lên cơn đau bụng bất thường, nên họ phải lặn lội về BV trung ương vì không tin tưởng tay nghề của các BS tuyến dưới. Anh chồng (tên là Nguyễn Văn Hưng) cho chúng tôi biết: Hai người đã vạ vật ở đây tròn 3 ngày. Vì không có điều kiện để thuê trọ, nên đành lấy khoảng trống tại BV làm nơi trú nghỉ đợi kết quả để về. Nhìn khuôn mặt hốc hác vì thiếu ăn, thiếu ngủ của đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi không khỏi cầm lòng.

Cả “thầy” lẫn “thợ” đều thiết

Hàng nghìn bệnh nhân chờ khám mỗi ngày, nhưng chỉ có vẻn vẹn khoảng chục bác sĩ, y tá túc trực tại một số phòng khám khiến nhiều người không khỏi bức xúc vì phải nóng lòng chờ đợi quá lâu - đó là thực trạng tại hầu hết các BV tuyến TƯ hiện nay. Không chỉ thiếu BS mà ngay cả đội ngũ nhân viên y tế cũng vẫn còn quá mỏng so với lượng bệnh nhân đến khám, chữa. Tuy nhiên, điều khiến người đến BV bức xúc nhất, đó là tình trạng lập lờ trong thủ tục của một số BS, cán bộ nhân viên y tế. Bởi theo phản ánh của người dân trong thời gian qua, hiện tượng BS móc nối với “cò” hành tiền bệnh nhân không còn là chuyện xa lạ, theo như lời chia sẻ thẳng thắn của ông Nguyễn Huy Quang - Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - khi trả lời báo giới: “Hoạt động “cò mồi” đều liên quan đến nhân viên y tế, nhưng chưa thấy BV nào báo cáo xử lý trường hợp cán bộ, y bác sĩ vi phạm”.

Mới đây nhất là vụ việc ngày 15/12/2012 tại phòng khám 19A (BV Nhi T.Ư). Lúc 10h, khi bảng số điện tử đã báo đến số khám 33 của chị Nguyễn Thị Hiên, nhưng vẫn không được điều dưỡng viên gọi vào. Sốt ruột, chị gọi cửa thì thấy một bệnh nhân khác xếp sau mình mấy số lại đang trong phòng khám và chị bị điều dưỡng viên N.T.V.A xua ra. Dù chị Hiên đã giải thích và chỉ vào bảng số thì điều dưỡng viên này vẫn một mực không tiếp nhận trước sự bức xúc của nhiều người xung quanh (?!)

Theo 24h.com.vn