Chi phí chăm người già nhấn chìm nước Mỹ

18/02/2013 03:59 AM


Người cao tuổi là lực lượng chính trị hùng mạnh nhất tại Mỹ. Có khuất phục được họ hay không sẽ là trận chiến quyết định tương lai nước này.


Cắt giảm chi tiêu không được

Giảm chi tiêu về mức phù hợp với thu ngân sách hiện tại như Đảng Cộng hòa đề xuất là giải pháp vừa cấp tiến nhất, lại vừa bảo thủ nhất. Một mặt, tỷ lệ chi tiêu công trong nền kinh tế sẽ về mức trung bình kể từ Thế chiến thứ hai. Nhưng vì dân số đang già đi nên chỉ làm được vậy nếu phá vỡ mọi cam kết về phúc lợi với người cao tuổi. Với những người hiện dưới 55 tuổi, kế hoạch của Ryan sẽ biến Medicare từ BHYT thành trợ cấp một phần để mua BHYT tư nhân và tăng tuổi được hưởng Medicare lên 67. Đúng là kế hoạch này sẽ tiết kiệm được rất nhiều nhưng thực tế, đó là việc bắt lao động trẻ trả tiền cho thế hệ “baby boomer” mà chính bản thân họ lại không được hưởng toàn bộ lợi ích từ Medicare. Một đề xuất khác là hạn chế trợ cấp cho người nghỉ hưu khá giả. Chính sách kiểu này khó nhận được sự đồng thuận từ xã hội nhưng ít nhất nó đảm bảo thế hệ “baby boomer” chỉ hưởng đúng những gì họ đã đóng góp.

Cắt giảm kiểu này chưa từng có tiền lệ. Các xã hội “vừa già vừa giàu” thường bỏ phiếu tăng chi y tế. Thực tế, Quy luật Wagner cho rằng nước nào càng giàu chi tiêu công càng cao dù ra đời từ năm 1893 nhưng chưa bao giờ bị vi phạm. Hơn nữa, cắt giảm chi tiêu như thế ắt sẽ ảnh hưởng tới các chương trình thực sự tạo ra tăng trưởng trong tương lai. Bên cạnh đó, cắt giảm lại thường hướng tới các khoản “dễ nhằn” về mặt chính trị như giáo dục, cơ sở hạ tầng và nghiên cứu và bỏ qua những “khúc xương” như Medicare. “Mọi người phải nhớ rằng chi ngân sách thế nào sẽ ảnh ưởng tới tăng trưởng” - Phó Giám đốc Kinh tế tại OECD Jorgen Elmeskov, nói.

Tăng thuế cũng không xong

Tăng thuế mạnh (giải pháp không tránh khỏi của mọi tư duy Dân chủ coi Medicare và An sinh xã hội là bất khả xâm phạm), được, nhưng chẳng hay ho gì. Hiện Mỹ vẫn còn dư địa để tăng thuế, đặc biệt là thuế tiêu dùng do vẫn thấp nếu so với chuẩn quốc tế. GS Kinh tế Joel Slemrod từ ĐH Michigan nói kinh nghiệm tại các nước khác “vẫn rất không rõ ràng”. Có những nước tăng trưởng nhanh với thuế suất cao như Nauy, nhưng vẫn có những nước thuế thấp và tăng trưởng vẫn chậm. Nhưng nghiên cứu về cá nhân và doanh nghiệp thì khác. “Thuế cao khiến người ta ít muốn làm việc kiếm thêm thu nhập” - ông Slemrod nói - “Tôi có cảm giác mình biết mọi chuyện sẽ đi theo hướng nào dù tôi không biết mức độ sẽ ra sao”. Cũng có không ít ví dụ cho thấy luật thuế mà soạn thảo tồi (thuế suất cao nhưng lỗ hổng nhiều) sẽ có hại cho tăng trưởng. Luật thuế Mỹ đã quá cũ kỹ, do đó cải cách là cần thiết dù cho có phải tăng thuế một chút. Nếu tăng thuế mạnh, không những động lực của nền kinh tế sẽ tiêu tan, mà đó còn là giương cờ trắng trước thế hệ baby boomer và dồn hết gánh nặng lên vai thanh niên.

Quyết phải cắt

Từ các lập luận trên, dường như chỉ còn giải pháp cuối cùng là cắt giảm mạnh Medicare. Giảm chi phí y tế khổng lồ tại Mỹ (hay đơn giản chỉ cần giảm tốc độ tăng) là có ngay một liều thuốc ngân sách đảm bảo công bằng giữa các thế hệ. Có hai lý do chi phí cho Medicare sẽ tăng mạnh trong tương lai. Thứ nhất là dân số già đi. Thứ hai là chi phí cho mỗi bệnh nhân luôn tăng nhanh hơn lạm phát. Nhìn vấn đề theo một cách khác, Mỹ đang chi 17,4% GDP cho y tế (bao gồm 8% từ ngân sách), so với mức trung bình chỉ 9,6% của các nước OECD. Chỉ cần đưa tỷ lệ trên về mức trung bình là đủ giải quyết vấn nạn ngân sách của Mỹ. Đạo luật Chi tiêu y tế hợp lý (Affordable Care Act, còn gọi là Obamacare) bao gồm nhiều biện pháp kiểm soát chi phí Medicare nhưng lại tăng diện được hưởng nên không giải quyết được mất cân đối ngân sách dài hạn.

Hiện có rất nhiều đề xuất cải cách Medicare khác nhau, với nhiều mức độ tham gia của chính phủ. Nhưng hầu hết các đề xuất này đều nhằm hạn chế việc người bệnh đòi hỏi các phương pháp trị liệu tốn kém. “Tôi nghĩ biện pháp hứa hẹn nhất là chuyển sang phương pháp thanh toán chi phí y tế dựa trên mức độ cải thiện sức khỏe người bệnh,” ông Mark McClellan nói. Ông là cựu Giám đốc tại Medicare và nay đang làm việc tại viện nghiên cứu Brookings tại Washington. Bằng chứng là với các chương trình bảo hiểm của tư nhân vừa hạn chế được tăng chi phí, vừa hiệu quả hơn với người bệnh. Dù có tiết kiệm được nhiều như thế thực không thì ở thời điểm này khó mà biết được, nhưng đề xuất trên khiến người ta phải suy nghĩ. Nước Mỹ đang gặp thử thách lớn với vấn đề ngân sách. Nhưng nếu Washington vượt qua được nỗi ám ảnh về thâm hụt, họ sẽ giải quyết được vấn đề.

Theo KT&ĐT