Thứ hai, ngày 13/01/2025

Nâng cao trách nhiệm trong quá trình xây dựng thể chế pháp luật

05/08/2019 05:00 PM


Là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật diễn ra ngày 05/8/2019.

 

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

Phiên họp tập trung thảo luận về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số  điều của Luật Giám định tư pháp; dự án Luật Thanh niên (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)...

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc xây dựng thể chế pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phát huy trí tuệ tập thể, đóng góp ý kiến vào các nội dung tờ trình, dự thảo do các bộ, cơ quan trình và tập trung vào trọng tâm, trọng điểm những vấn đề liên quan.

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung 50/173 điều, Thủ tướng cho rằng, đây  là “công thức” xây dựng thể chế pháp luật ở Việt Nam. Về sự chồng chéo, vướng mắc giữa các luật, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp, xử lý giải quyết. Đồng thời, yêu cầu các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ khi được giao chủ trì dự án luật phải đề cao trách nhiệm, theo sát đến cùng cho đến khi Quốc hội thông qua, bảo đảm tính hệ thống, thông suốt, không cắt khúc trong quá trình xây dựng luật; nâng cao trách nhiệm, chất lượng văn bản, phân công hợp lý hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật…

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng xin ý kiến Chính phủ về một số nội dung như quản lý chi phí đầu tư xây dựng; cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ tại nông thôn; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực. Thủ tướng nhấn mạnh, cần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn, chống tư tưởng xin - cho; giao quyền gắn liền với trách nhiệm, chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Về các vấn đề cụ thể, Thủ tướng nhất trí cho rằng, đối với các bộ, ngành có ít dự án đầu tư xây dựng, thì việc thành lập ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, dự án đầu tư xây dựng khu vực là không cần thiết, không hiệu quả, tăng biên chế.

Về cấp phép xây dựng công trình, nhà ở tại nông thôn, Thủ tướng nhấn mạnh, cần quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm giấy phép, căn cứ quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt để thực hiện quản lý trật tự xây dựng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP

Về chi phí quản lý đầu tư xây dựng, theo Thủ tướng, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành bắt buộc áp dụng đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công nhằm kiểm soát việc sử dụng hiệu quả vốn nhà nước, chống thất thoát. Đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác thì để tham khảo áp dụng. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần quy định cụ thể thời hạn định kỳ cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cập nhật, điều chỉnh hệ thống định mức cho phù hợp với thực tế.

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến rộng rãi của doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo. Báo cáo về dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) gồm 11 chương với 100 điều, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến thời điểm hiện tại có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, huy động được hơn 1,6 triệu tỷ đồng vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia. Thực tiễn cho thấy quy định về PPP cần phải được hoàn thiện, nâng cấp hơn nữa và có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn, đầu tư quy mô lớn (hợp đồng PPP thường kéo dài 20-30 năm). Trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn đầu tư từ khu vực tư ngày càng tăng, đa số ý kiến cho rằng, việc xây dựng Luật này là rất cần thiết, nhằm hình thành khung pháp lý để quản lý, điều hành thống nhất, ổn định hoạt động đầu tư theo phương thức PPP. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, mục tiêu quan trọng là huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển đất nước; bên cạnh đó, không được chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác.

Đối với dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu, tất cả các bộ, cơ quan quan tâm đến thế hệ trẻ, tạo điều kiện tốt nhất về chính sách, bộ máy, gỡ bỏ những gì cản trở để thanh niên phát huy tốt nhất năng lực, nhưng bộ máy, biên chế cho công tác thanh niên phải gọn nhẹ; biểu dương, phát huy các điển hình, bồi dưỡng thanh niên, có chính sách mới cho thanh niên khởi nghiệp, thanh niên tài năng nhưng phải chống bao cấp.

Với các dự án, tờ trình khác, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

 

PV