12 triệu lượt học sinh, sinh viên sẽ được hỗ trợ khởi nghiệp
22/07/2019 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đề án “Hỗ trợ Học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp giúp học sinh, sinh viên tự tin, chủ động, sáng tạo trong việc khởi nghiệp.
Quang cảnh Lễ ký.
Ngày 22/7, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác triển khai Đề án “Hỗ trợ Học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; phối hợp đào tạo nghề nghiệp và đào tạo việc làm cho học sinh, sinh viên giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) với Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty Cổ phần BPO Mắt Bão.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Hồng Minh cho biết, thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Kế hoạch triển khai năm 2019 nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên; trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp giúp học sinh, sinh viên tự tin, chủ động, sáng tạo trong việc khởi nghiệp, chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện học sinh, sinh viên; hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp và tự tạo việc làm; tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; tìm kiếm và giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên để giới thiệu cho các nhà đầu tư.
Theo đó, việc triển khai Đề án sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính gồm: Thứ nhất, đẩy mạnh thông tin, truyền thông; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp và tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tìm kiếm ý tưởng sáng tạo của học sinh, sinh viên, cụ thể: sẽ có 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; phấn đấu 12 triệu lượt học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm. Tổ chức "Ngày hội khởi nghiệp" cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn giới thiệu ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên kết nối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Thứ hai, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho cán bộ, nhà giáo, người làm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực và hình thành đội ngũ giáo viên giảng dạy khởi nghiệp, cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức các đoàn học tập trao đổi kinh nghiệm tại nước ngoài cho đội ngũ làm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025: 100% các trường cao đẳng, 50% các trường trung cấp thành lập tổ chuyên gia tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Thứ ba, tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, vận hành hệ thống phần mềm quản lý, theo dõi, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Tổ chức hệ thống thông tin kết nối, giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và học sinh, sinh viên. Ngoài ra, các trường bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của cơ sở (bao gồm nguồn chi thường xuyên, nguồn nghiên cứu khoa học học sinh, sinh viên và nguồn vận động xã hội hoá ...) vào nguồn vốn dành cho các hoạt động khởi nghiệp cơ sở và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025: 70% các trường cao đẳng, trung cấp có ít nhất 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu; 50% các trường cao đẳng, trung cấp giáo dục nghề nghiệp có hoạt động kết nối doanh nghiệp, vận động nguồn lực xã hội hoá để hình thành các trung tâm, không gian hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp hoặc các câu lạc bộ khởi nghiệp theo lĩnh vực.
Tổng cục GDNN ký kết với Tập đoàn Vingroup.
Theo Tổng cục Giáo dục dạy nghề (Bộ LĐTB&XH), hiện nay, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp và 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Hàng năm, có khoảng 2.210.000 người tốt nghiệp trong đó số học sinh trung cấp, sinh viên cao đẳng khoảng 545.000 người (trình độ cao đẳng khoảng 230.000 sinh viên; trình độ trung cấp khoảng 315.000 học sinh).
Trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khoảng 1.665.000 người; hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 800.000 lao động nông thôn; góp phần hết sức quan trọng trong việc phát triển lực lượng lao động có kỹ năng góp phần vào việc giải quyết việc làm, ổn định xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong số người học tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói trên có khả năng chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm, khởi nghiệp chiếm tỷ lệ chưa cao, chưa tương xứng với những cơ hội tự tạo việc làm, khởi nghiệp trong thời kỳ phát triển mới của nền kinh tế, xã hội đất nước.
Trước tình hình đó, Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Giáo dục dạy nghề xác định triển khai hiệu quả đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức rộng khắp trong các địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, hình thức và có tác động mạnh mẽ đến học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời huy động, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân liên quan trong và ngoài nước vào công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp./.
PV
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT