Rà soát khung pháp lý về lao động trẻ em
17/01/2019 08:06 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động trẻ em (LĐTE), trong 2 ngày 15 và 16/1, tại Quảng Ninh, dưới sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực Quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE tại Việt Nam (ENHANCE), Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với ILO tổ chức hội thảo Tham vấn báo cáo rà soát khung pháp lý về LĐTE và dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về lao động là người chưa thành niên.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, hội thảo nằm trong khuôn khổ các nỗ lực nhằm giảm thiểu và xóa bỏ LĐTE ở Việt Nam. Trêm cơ sở đó đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện khung pháp lý về lao động trẻ em để bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên tham gia lao động tại Việt Nam. Đây là một trong những bước tiến quan trọng nhất đối với Việt Nam để có thể xây dựng khung pháp lý nhằm điều chỉnh hiệu quả về vấn đề LĐTE. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ trình Chính phủ vào tháng 2/2019 và trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2019.
Theo ước tính của ILO, trên thế giới hiện có khoảng 152 triệu trẻ em độ tuổi từ 5 - 17 tuổi là LĐTE. LĐTE vẫn tập trung chủ yếu trong ngành nông nghiệp (chiếm 70,9%). Gần 1/5 LĐTE làm việc trong ngành dịch vụ (chiếm 17,1%), trong khi 11,9% LĐTE làm việc trong ngành công nghiệp.
Tại Việt Nam, kết quả Điều tra quốc gia về LĐTE cho thấy, hiện có 1,75 triệu LĐTE. Tỷ lệ LĐTE tại Việt Nam thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn thế giới và rất gần với tỷ lệ của khu vực. LĐTE tồn tại đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, với khoảng 1,7 triệu trẻ em, trong số đó có đến 34% các em làm việc kéo dài trên 42 giờ/tuần.
Việt Nam đã ban hành hệ thống pháp luật và chính sách nhằm đảm bảo hiện thực hóa quyền của trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE. Bộ luật Lao động năm 2012 đã có các quy định về độ tuổi lao động tối thiểu, thời giờ làm việc và điều kiện làm việc, quy định về lao động đối với người chưa thành niên. Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật trẻ em mới được Quốc hội thông qua thời gian gần đây tiếp tục có các quy định cụ thể về các hành vi nghiêm cấm bóc lột trẻ em, nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, đoàn thể, gia đình, cộng đồng và các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2016 - 2020.
Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em; phê chuẩn Công ước số 182 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức LĐTE tồi tệ nhất; phê chuẩn Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu được đi làm việc.
Tại Chương 11 của Bộ luật Lao động 2012 quy định có những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên. Theo đó, lao động chưa thành niên (đủ 15 đến dưới 18 tuổi) làm không quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần; được làm thêm giờ vào ban đêm trong một số nghề và công việc. Lao động dưới 15 tuổi không quá 4 giờ/ngày và 20 giờ/tuần; không được làm thêm giờ, làm việc ban đêm. Cấm trẻ em làm mọi công việc nặng nhọc, độc hại.
Báo cáo rà soát và phân tích hệ thống pháp luật về LĐTE tại Việt Nam được tiến hành bởi một công ty tư vấn độc lập đã đưa ra một số nội dung chính như: Cách tiếp cận của Việt Nam về LĐTE; các quyền cơ bản của trẻ em; các tiêu chuẩn về LĐTE; LĐTE trong tương lai.
Báo cáo đã đưa ra một số kiến nghị cụ thể về sửa đổi định nghĩa về trẻ em: Cần có sự không đồng nhất về tuổi từ các định nghĩa về trẻ em, người chưa thành niên và lao động là người chưa thành niên; Cần bổ sung cơ chế pháp lý bảo vệ cụ thể cho nhóm người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi; Đề xuất xây dựng khái niệm về LĐTE: Cần có các chính sách, quy định điều chỉnh về vấn đề LĐTE trong khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam; Cân nhắc các biện pháp và hướng dẫn thi hành quy định tại các khuyến nghị để quy định tại văn bản pháp luật quốc gia; Đảm bảo tuân thủ của Chính phủ Việt Nam đối với các công ước, hiệp định đã được phê chuẩn tại Việt Nam về LĐTE.
Đánh giá về việc thực hiện các công ước quốc tế về LĐTE tại Việt Nam, ông Minoru Ogasawara - Cố vấn trưởng dự án ENHANCE khẳng định, sau khi có sự phê chuẩn công ước của ILO về LĐTE, Việt Nam cũng đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh với LĐTE. Năm 2012, Việt Nam đã thực hiện khảo sát đầu tiên về LĐTE. Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu LĐTE…
“Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định tự do thế hệ mới như CPTTP và Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu do đó việc xóa bỏ và giảm thiểu LĐTE trong chuỗi cung ứng trong các mặt hàng được xuất khẩu từ Việt Nam sẽ trở thành một trong những điều kiện vô cùng quan trọng” - ông Minoru Ogasawara nhấn mạnh.
Chỉ ra những bất cập, hạn chế trong khuôn khổ pháp lý về LĐTE tại Việt Nam, ông Minoru Ogasawara cho rằng: Đại đa số LĐTE Việt Nam hiện nay đều ở trong khu vực phi chính thức, tuy nhiên trong phạm vi của Bộ luật Lao động chưa điều chỉnh đến LĐTE trong khu vực phi chính thức. Khung pháp lý để bảo vệ LĐTE trong khu vực phi chính thức chưa chặt chẽ. “Việt Nam cần mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm bảo vệ cho mọi trẻ em hiện đang làm việc trong khu vực phi chính thức” - ông Minoru Ogasawara khuyến nghị.
Theo BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT