Cần ban hành chính sách hỗ trợ lao động nữ tham gia BHXH
02/01/2019 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là một trong số những kiến nghị được đưa ra tại hội thảo Nâng cao vai trò nữ giới trong các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp do liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tổ chức mới đây.
Ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Tính đến năm 2017, dân số nữ chiếm 50,6% tổng dân số cả nước, tương đương 47.418.000 người. Trong số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hàng năm là 53.703.400 người thì có 25.889.700 lao động là nữ. Riêng khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã thu hút 2,4 triệu lao động, trong đó chiếm gần 50% là lao động nữ.
Tuy nhiên, theo một báo cáo cáo khảo sát tại 300 HTX do Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với SNV tiến hành thì lao động nữ trong các HTX hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, kết quả báo cáo cho thấy, tỷ lệ lao động nữ giữ các chức vụ quản lý, điều hành trong HTX khá thấp và đa phần chỉ giữ chức vụ từ cấp phó trở xuống. Tỷ lệ lao động nữ không có tay nghề chiếm trên 60% tổng số lao động nữ làm việc trong HTX; chỉ có khoảng 20% lao động nữ được tham gia các khóa đào tạo nghề và hầu hết là các nghề đơn giản, thời gian đào tạo ngắn. Xét về độ tuổi thì khu vực HTX sử dụng lao động linh hoạt hơn so với các khu vực kinh tế khác, có một tỷ lệ không nhỏ phụ nữ phải làm việc khi đã quá tuổi lao động. Lao động nữ cũng chủ yếu trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi tiêu hao nhiều sức lực, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của phụ nữ.
Quang cảnh hội thảo.
Bên cạnh đó, dưới góc độ bình đẳng giới, Bộ luật Lao động dành 1 chương riêng với những điều khoản và quy định cụ thể đối với lao động nữ, tuy nhiên một số chính sách ưu tiên với phụ nữ vô tình trở thành rào cản với họ, không phù hợp với các tiếp cận hiện đại về bình đẳng giới.Cũng theo báo cáo, nhận thức của xã hội, gia đình và bản thân người phụ nữ về vai trò của nữ giới hiện vẫn còn hạn chế, điều này khiến việc tiếp cận các nguồn lực, cơ hội học tập, nâng cao trình độ và thăng tiến của chị em khó khăn hơn nam giới. Mặt khác, lao động nữ tại các HTX được hưởng rất ít chế độ so với các khu vực khác mặc dù luật định đã quy định cụ thể, chi tiết các chính sách ưu tiên đối với lao động nữ, bao gồm tham gia bảo hiểm, thai sản, công việc nặng nhọc, độc hại, nghỉ lễ, tết...
“Phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong xây dựng kinh tế hộ mà kinh tế hộ là nòng cốt của phát triển kinh tế hợp tác”, Ông Bùi Văn Minh, đại diện Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV nhấn mạnh.
Còn theo ông Lê Văn Nghị, sự bình đẳng, bền vững trong việc tiếp cận các nguồn lực đối với lao động nữ làm việc trong các HTX là một vấn đề trọng yếu cho sự phát triển của HTX giai đoạn hiện nay.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu nhận định, hiện tại, trong xu thế mở cửa, hội nhập, chắc chắn đội ngũ lao động nữ trong các HTX còn phải đối mặt với nhiều thách thức do họ chưa có đủ “hành trang” và do cả những yếu tố khách quan. Vì vậy, cần có có sự hỗ trợ, phối hợp từ các Bộ, ngành, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và của chính bản thân lao động nữ để có hướng khắc phục những hạn chế và tận dụng được cơ hội mới cho chị em phụ nữ.
Một số kinh nghiệm quốc tế về phát huy vai trò của phụ nữ trong HTX cũng đã được các đại biểu thảo luận và phân tích như việc thành lập nhiều loại hình HTX cho phụ nữ như ở Nhật Bản, Hàn Quốc; tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia xây dựng, quản lý, điều hành HTX như phong trào HTX ở Mianma; tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các chương trình giáo dục, đào tạo cho các HTX như đã triển khai ở Nepal, Ấn Độ...
Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật ưu tiên lao động nữ trong khu vực HTX, như: Sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến lao động nữ; xem xét lại danh mục nghề cấm sử dụng lao động nữ theo Thông tư 26 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Nhà nước cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động nữ khi tham gia BHYT, BHXH; tiếp tục cấp, bổ sung kinh phí về đào tạo để nâng có trình độ năng lực quản trị, xúc tiến thương mại để phun nữ tham gia quản lý HTX; có chính sách để phụ nữ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh doanh, mở rộng sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa; các tổ chức chính trị xã hội, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, về quyền lợi, vai trò của phụ nữ trong phát triển HTX; các HTX cần xây dựng chiến lược về nhân sự nữ trong các HTX; thành lập và củng cố các tổ chức và đoàn thể trong HTX, trong đó chú trọng Hội phụ nữ trong HTX./.
Theo BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT