Gần 200 dự án giảm nghèo và an sinh xã hội đã được triển khai trong vùng dân tộc thiểu số
25/11/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 22-11, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) - gọi tắt là Đề án 2214.
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Giàng A Chu; đại diện một số bộ, ngành liên quan; các đối tác quốc tế tham gia hỗ trợ phát triển, cùng đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh: Bạc Liêu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Kon Tum và Tây Ninh.
Toàn cảnh Hội nghị. (Nguồn ảnh: Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc)
Đề án 2214 được triển khai, thực hiện nhằm tăng cường hợp tác, thu hút các nguồn lực vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm của các nước, tổ chức quốc tế, tập thể, cá nhân ở nước ngoài, hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc... Báo cáo tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc Hoàng Văn Bình cho biết, với trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ trì Đề án 2214, ngay sau khi Đề án được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Đề án. Trong đó, xây dựng và ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam, nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án 2214. Thành lập và xúc tiến vận động tài trợ nguồn vốn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào vùng DTTS theo quy định đồng thời định kỳ hàng năm tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, Diễn đàn nhằm huy động sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào vùng DTTS và miền núi và hợp tác, kết nối, hỗ trợ đồng bào DTTS khởi nghiệp...
Trong giai đoạn 2014 - 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách dân tộc, chương trình, dự án..., trong đó có Đề án tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi nhằm hỗ trợ phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động đề xuất các dự án, hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ vùng đồng bào vùng DTTS và miền núi gắn với chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Giai đoạn này, các địa phương đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi gồm Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, JICA, CARE, Quỹ Cô - Oét, Tổ chức Helvetas, Thụy Sỹ, Caritas, Quỹ We Effect Thụy Điển, Plan Canada, Saigon Children Charity...
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án 2214, đã có gần 200 dự án giảm nghèo và an sinh xã hội đã được triển khai trong vùng DTTS và miền núi từ Tây Bắc, đến Tây Nguyên; khoảng 252 dự án về giáo dục, đào tạo dạy nghề và giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số; 10 dự án viện trợ đã và đang hỗ trợ cho 5 tỉnh Tây Nguyên, trong đó có 4 dự án viện trợ không hoàn lại của Quỹ Toàn cầu, EC và GAVI, 6 dự án viện trợ vay của WB, ADB, JICA với tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho cả vùng khoảng 88.712.151 USD; có 9 dự án viện trợ đã và đang hỗ trợ cho 16 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, trong đó có 4 dự án viện trợ không hoàn lại do Quỹ Toàn cầu và GAVI tài trợ, 5 dự án vay vốn WB, ADB và JICA. Tổng số kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho y tế các tỉnh Tây Bắc từ 9 dự án này khoảng 107.845.140 USD.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn ảnh: Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc)
Lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thu hút khoảng trên 100 dự án ODA và phi chính phủ nước ngoài, tập trung vào giúp đồng bào làm quen với phương thức, kiến thức sản xuất mới, tiếp cận với các công cụ sản xuất hiện đại hơn, tiến tới xóa bỏ phương thức canh tác lạc hậu, hiệu quả thấp, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào; mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sản phẩm là thế mạnh của vùng miền núi như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ; thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của vùng; ưu tiên dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật có giá trị kinh tế từ việc nhân giống các loại cây trồng, vật nuôi mới, dự án phù hợp với nhu cầu, trình độ và điều kiện cụ thể của vùng dân tộc thiểu số...
Báo cáo cũng cho biết, đã có gần 20 dự án liên quan đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng triển khai tại các địa phương; trên 80 dự án liên quan đến phổ biến, tuyên truyền về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong vùng đồng bào DTTS...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ Trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng nhấn mạnh, Hội nghị là cơ hội để đánh giá tình hình triển khai thực hiện Đề án, những kết quả, hạn chế nguyên nhân và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo; thảo luận, lấy ý kiến về phương hướng và giải pháp thực hiện hiệu quả cao và thúc đẩy hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức trong nước và nước ngoài tiếp tục đầu tư, viện trợ cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Việt Nam. Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Phan Văn Hùng đánh giá cao những kết quả cũng như ý kiến phát biểu của các đại biểu, các bộ ngành, các địa phương. Đồng thời khẳng định, Đề án 2214 là đề án rất quan trọng, có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội, với nhiều chính sách, nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm thu hút các nguồn cho phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS, góp phần cùng với ngân sách nhà nước, địa phương tạo điều kiện phát triển nhanh bền vững vùng dân tộc./.
Theo BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT