Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội
03/11/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đó là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018 tổ chức ngày 3/11/2018, tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.
Các thành viên Chính phủ đã nghe, thảo luận hơn 10 nội dung, trong đó tập trung vào tình hình kinh tế- xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2018; về một số chủ trương, chính sách, xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh qua việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, dù mỗi thành viên Chính phủ có số phiếu tín nhiệm cao, thấp khác nhau nhưng đều thôi thúc các Bộ trưởng, Trưởng ngành nhanh chóng khắc phục các tồn tại, hạn chế, đề cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, đánh giá sát tình hình quốc tế và trong nước, đề ra các giải pháp thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2018.
Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2018 tiếp tục có bước phát triển tích cực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, đúng hướng dự báo đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,33% so với tháng trước là mức an toàn. Tính chung 10 tháng, CPI bình quân tăng 3,6% so với cùng kỳ, dự báo hoàn thành mục tiêu kiểm soát dưới 4% cả năm 2018. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,38%. Thu, chi NSNN đạt tiến độ, trong đó, tổng thu cân đối NSNN lũy kế 10 tháng ước đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, bằng 84,9% dự toán, tăng 15,1% so với cùng kỳ; tổng chi cân đối NSNN ước đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài (bao gồm cả FDI) đăng ký ước đạt 27,9 tỷ USD, giảm nhẹ (khoảng 1,2%) so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên, giải ngân vốn FDI tiếp tục tăng, ước đạt 15,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của các nhà đầu tư, chiếm tỷ trọng 47,5% tổng số vốn đăng ký.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đà phát triển tích cực toàn diện trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; công nghiệp; dịch vụ. Sức mua của thị trường trong nước tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,4% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,31% (cùng kỳ tăng 8,79%). Tình hình xuất, nhập khẩu về cuối năm có chuyển biến mạnh mẽ, trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt 200,2 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ, bằng giá trị của cả năm 2017. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước tăng 16,8%, tiếp tục xu thế tăng cao hơn mức tăng bình quân chung và cao hơn mức tăng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (10 tháng ước tăng 13,2%). Tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng ước đạt 193,8 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ, cán cân thương mại ước xuất siêu 6,4 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, là mức xuất siêu cao nhất từ trước đến nay. Tính chung 10 tháng, cả nước có trên 109,6 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 1,12 triệu tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 9,2% về số vốn, mức vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, an sinh xã hội, lao động, việc làm... tiếp tục có chuyển biến tích cực, đáng chú ý là tạo việc làm cho khoảng 1,35 triệu lao động, đạt 84,6% kế hoạch năm. Tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, giảm 8,2% về số vụ tai nạn giao thông và giảm 2,2% về số người tử vong so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, một số mặt hàng nông sản giá thấp, xuất khẩu tăng về số lượng nhưng giá giảm dẫn đến kim ngạch xuất khẩu nông sản giảm. Mặc dù giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua có chuyển biến tích cực nhưng giải ngân vốn Trung ương tiếp tục giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể bằng gần 83% số doanh nghiệp mới thành lập, là tỷ lệ khá cao. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến rất phức tạp...
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2018 có nhiều chuyển biến tích cực hơn năm trước, củng cố thêm dự báo cả nước sẽ vượt và đạt toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế- xã hội mà Quốc hội giao cho năm 2018. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp và rất khó lường; đặc biệt là căng thẳng thương mại quốc tế tiếp tục leo thang; giá dầu có xu hướng tăng vào cuối năm sẽ tác động tới điều hành và nền kinh tế.
Quang cảnh phiên họp.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nhìn nhận trực diện vào các khó khăn, thách thức, không lơ là, chủ quan với thành tích đạt được vừa qua; kiên định với các nhiệm vụ, giải pháp chính đã đề ra, đồng thời có đối sách phù hợp, kịp thời không để bị động, bất ngờ.
Theo đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tài khoá, tiền tệ, ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách. Bảo đảm an toàn nợ công. Điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và định hướng hỗ trợ ổn định lạm phát, duy trì thanh khoản ở mức hợp lý, đảm bảo cung tiền đầy đủ cho nền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào bất động sản, chứng khoán. Có phương án ngay từ bây giờ đến cuối năm để đảm bảo không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng, thu hút mạnh mẽ kiều hối. Đẩy mạnh cung ứng hàng hóa, bình ổn giá, không để khan hàng trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ năm 2019, xác định các kịch bản điều hành kinh tế - xã hội với các giải pháp mạnh mẽ hơn. Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó chú trọng các dự án lớn, dự án quan trọng, trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm chất lượng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Bộ Công an chủ trì việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về an ninh mạng đúng quy trình xây dựng pháp luật, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và các tổ chức liên quan trên tinh thần bảo đảm an ninh quốc gia, quyền con người, quyền công dân; tập trung xoá bỏ các băng nhóm xã hội đen, kỷ luật Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nếu để các băng nhóm tội phạm tồn tại, gây nguy hiểm và bức xúc cho đời sống nhân dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở nhằm hạn chế tối đa thiệt hại, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung nguồn vốn để khắc phục tình trạng sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long.
Các bộ, ngành và 28 địa phương ven biển phải quyết liệt thực hiện việc giám sát, ngăn ngừa hoạt động đánh bắt hải sản trái quy định của EC; nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Tăng cường việc giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phát triển, mục tiêu nhiệm vụ được giao của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Tập trung ưu tiên nguồn lực để hoàn thành những công trình trọng điểm và then chốt nhằm gia tăng năng lực sản xuất; tiếp tục giải quyết các khó khăn, tồn tại của những dự án kém hiệu quả, thua lỗ.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phát triển đô thị; tập trung nghiên cứu hình thành các mô hình mới về phát triển đô thị như đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh... Ngành giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của Bộ Công an và các địa phương tăng cường điều tiết, tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm trật tư an toàn giao thông, đặc biệt là trong các đợt cao điểm cuối năm, Tết Nguyên đán.
Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, năng lực phòng ngừa dịch bệnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai xây dựng chương trình và sách giáo dục phổ thông mới trên cơ sở đánh giá kỹ, chủ động trao đổi, truyền thông, mở rộng đối thoại, tạo đồng thuận xã hội liên quan đổi mới giáo dục; khắc phục bất cập của Kỳ thi THPT năm 2018, không gây khó cho người đi thi, không để Kỳ thi xảy ra sự cố.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm tốt công tác dự báo khí tượng, thủy văn, phòng chống thiên tai; kiên quyết xử lý các vi phạm về môi trường; đồng thời nâng cao nhận thức nhân dân, thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm môi trường ở khu tập trung đông dân cư, làng nghề, nông thôn, các lưu vực sông; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Về lĩnh vực xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành quyết liệt chỉ đạo công tác hoàn thiện pháp luật; không để nợ đọng văn bản, xoá bỏ các văn bản trái luật. Tiếp tục triển khai quyết liệt việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Quy hoạch quản lý và phát triển báo chí; tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khuyến khích phát triển thị trường và sản phẩm quốc gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; chủ trì cung cấp các thông tin về Hiệp định CPTPP, tạo đồng thuận trong xã hội.
Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng có kế hoạch triển khai thực hiện ngay những lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV./.
Theo BHXH VN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT