Khoảng trống an sinh xã hội của người gom rác
13/10/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Công việc vất vả, mỗi ngày phải làm từ 8-10 tiếng, môi trường làm việc độc hại, ô nhiễm... nhưng những lao động làm nghề thu gom rác chỉ nhận được những đồng lương hay thu nhập không đủ sống.
Nghề của người nghèo
Chị Nguyễn Thi Minh (38 tuổi, ở thôn 5 xã Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) là một trong những lao động làm nghề thu gom rác. Công việc chính của chị là làm ruộng, vì thuộc hộ nghèo nên được thôn “chiếu cố” cho nhận thêm nghề thu gom rác để kiếm thêm thu nhập.
Lao động thu gom rác luôn đối mặt với nhiều rủi ro, bệnh tật (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Công việc không quá nhiều vì mỗi tháng chị chỉ làm 8 ngày, nhưng lại rất vất vả vì khối lượng công việc nhiều. Thôn có hơn 500 hộ, nếu cứ vài ba ngày mới đi gom rác một lần thì mỗi nhà phải 2-3 tải nặng... Vất vả, chịu ảnh hưởng ô nhiễm nhưng chị được nhận mức thù lao rất thấp, ngoài ra không có bất cứ hợp đồng công việc hay được đóng BHXH, BHYT. Khi ốm đau chị phải tự đi chữa bệnh.
“Nhiều hôm tôi phải hộc tốc chạy theo xe công nông bốc rác mà về tới nhà mệt, đau lưng, đau đầu, có hôm còn trầy xước chân tay và không ăn uống được gì. Những lúc như vậy chỉ muốn bỏ làm, nhưng bỏ làm thì lấy đâu ra tiền để chi tiêu, nên vẫn phải cố” – chị Minh nói.
Theo chị Minh, mỗi ngày làm công việc gom, bốc rác, chị được trả 200.000 đồng. Tính ra, một tháng làm 8 buổi chị được nhận khoảng 1,6 triệu đồng. “Lương thấp, tôi không được nhận bất cứ chế độ gì. Thêm vào đó, có ngày rác thải nhiều, tôi làm từ 6 giờ sáng tới 7-8 giờ tối mới xong” – chị Minh chia sẻ.
Cùng chung nỗi niềm, anh Nguyễn Văn Phương ở thôn 7 xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) làm công việc thu gom rác cũng cảm thấy mệt mỏi: “Công việc vất vả, nhưng ở quê không có việc gì làm nên mình tranh thủ làm thôi. Chỉ mong tới đây cơ quan chức năng cần xem xét lại để ký hợp đồng lao động, tính toán lại lương bổng, chế độ BHXH cho anh em tôi chứ thế này mãi thì buồn lắm”.
Lương thấp, bệnh tật nhiều
Trong một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (SDRC) đã phối hợp Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện về vấn đề “An sinh xã hội và an toàn vệ sinh lao động của người thu gom rác dân lập ở TP.HCM”, cũng cho thấy những câu chuyện tương đồng như chị Minh, anh Phương.
Nghiên cứu chỉ ra, những người trực tiếp thu gom rác dân lập mỗi ngày làm việc trung bình hơn 9 giờ, không có ngày nghỉ, với thu nhập khoảng 3,8 triệu đồng/tháng. Họ thường mắc các bệnh như: Khớp, sốt xuất huyết, cảm cúm, viêm phổi/phế quản và các bệnh về da liễu do làm việc trong môi trường độc hại. Thêm vào đó, điều kiện làm việc khắc nghiệt, môi trường thiếu vệ sinh, an toàn khiến họ đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn lao động.
Theo nghiên cứu, hơn 60% lượng rác sinh hoạt ở TP.HCM được thu gom bởi lực lượng thu gom rác dân lập với 5 loại hình gồm: Tổ lấy rác dân lập, nghiệp đoàn, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã vệ sinh môi trường và những người hoạt động tự do. Trong số 428 người được phỏng vấn, có gần 62% là người nhập cư đến từ các tỉnh Nam Bộ. Họ phải làm việc rất nặng nhọc, trong môi trường độc hại, thu nhập thấp… Trong số này chỉ có 13,7% cho biết có đi khám tổng quát hàng năm. Đặc biệt những người làm việc dưới 10 năm thường ít quan tâm về sức khỏe.
Có tới 75% người làm công không có BHYT, không tham gia BHXH, không mua bảo hiểm tai nạn lao động vì không có tiền, không biết cách mua và không có hộ khẩu, tạm trú tại TP.HCM. Mặc dù những người tham gia loại hình lao động này có nhận thức tốt về trang bị bảo hộ lao động, như đi ủng, đeo bao tay, khẩu trang trong quá trình thu gom, nhưng vẫn có tới 94,6% bị chảy máu tay chân ở mức độ thường xuyên, do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, bà Nguyễn Minh Châu - Trưởng nhóm nghiên cứu, đưa ra 4 kiến nghị để nâng cao năng lực, nhận thức của người thu gom rác về các vấn đề an toàn, vệ sinh lao động như: Chuyển đổi mô hình hoạt động thu gom rác dân lập từ cá nhân sang các pháp nhân như hợp tác xã, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiến hành nâng cao chất lượng cuộc sống người thu gom rác qua việc tăng mức phí thu gom rác thải sinh hoạt.
"Các đơn vị chức năng cần tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về tiếp cận an sinh xã hội và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho lao động thu gom rác - Bà Nguyễn Minh Châu.
Theo Dân Việt
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT