Cần quy định chính sách bảo đảm tái hòa nhập cho người được đặc xá
10/06/2018 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 11/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá có tác động xã hội to lớn, là động lực để người bị kết án phạt tù nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt hơn; đồng thời, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ gia đình người bị kết án cũng như mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, sau 10 năm thi hành cho thấy, nhiều quy định của luật không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) gồm 6 chương, 39 điều quy định về các nguyên tắc thực hiện, thời điểm, chính sách của Nhà nước trong thực hiện đặc xá và các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện đặc xá; đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước; đặc xá trong trường hợp đặc biệt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá; khiếu nại, tố cáo…
Cụ thể, dự án luật tập trung sửa đổi 3 nội dung: Quy định phù hợp hơn về thời điểm, trình tự, thủ tục, điều kiện được đặc xá; bổ sung cơ quan Thi hành án hình sự và Nhà tạm giữ (Công an cấp huyện) là cơ quan có trách nhiệm thực hiện công tác đặc xá và bổ sung trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, qua phản ánh của cử tri, có ý kiến còn băn khoăn về công tác đặc xá thời gian qua triển khai gấp gáp, nên chưa bảo đảm đầy đủ sự tham gia, giám sát của nhân dân, từ đó có thể làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công tác đặc xá. Vì vậy, luật sửa đổi phải khắc phục hạn chế nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng công tác đặc xá, tránh việc hiểu sai chính sách khoan hồng của Nhà nước.
Đặc xá là thẩm quyền của Chủ tịch nước, song qua nghiên cứu, rà soát các quy định cho thấy, dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) chưa có quy định nào cụ thể hóa thẩm quyền quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Do đó, các đại biểu kiến nghị cần bổ sung quy định này vào dự án luật.
Liên quan đến chính sách tái hòa nhập cộng đồng sau khi đặc xá, đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) cho rằng, báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương cho thấy, trong tổng số hơn 87.000 người được đặc xá, đa số đã về đúng địa chỉ cư trú và đều được Công an địa phương hướng dẫn, đăng ký cư trú, cấp giấy tờ tùy thân. Trong đó, gần 50.000 người được đặc xá đã có việc làm và thu nhập ổn định; nhưng vẫn còn 1.007 người tái phạm, chiếm tỉ lệ 1,16%. Do vậy, dự án luật nên quy định chính sách bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá; quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp đối với đối tượng đặc xá. Đặc biệt, Nhà nước nên bố trí ngân sách hỗ trợ dạy nghề cho người được đặc xá, bảo đảm người được đặc xá có cơ hội làm lại cuộc đời.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cũng nhận định, người được đặc xá chủ yếu thuộc gia đình nghèo, hộ nghèo, có đời sống rất khó khăn. Vì vậy, nên chăng có chính sách hỗ trợ vốn và vay vốn cho người được đặc xá, giúp họ ổn định cuộc sống. Bởi, người được đặc xá phải chịu sự kỳ thị của xã hội rất nặng nề, họ cũng rất khó để xin được việc làm, dễ dẫn đến tự ti, chán nản, bi quan và dễ tái phạm tội...
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết đề nghị điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đơn vị Hành chính- Kinh tế đặc biệt, từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 với tỉ lệ tán thành 85,63%. Việc lùi thời điểm thông qua nhằm giúp Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các ĐBQH, chuyên gia, nhà khoa học, cử tri và nhân dân để hoàn thiện dự án luật, bảo đảm đáp ứng mục tiêu xây dựng thành công 3 đặc khu và giữ vững an ninh chủ quyền quốc gia…
Theo Báo BHXH
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT