Dự thảo Luật Dược (sửa đổi): Quản lý hiệu quả để đảm bảo nguồn thuốc phục vụ nhân dân

24/09/2015 09:51 AM


Trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 12, sáng ngày 23/9, Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm tra báo cáo của Chính phủ về Dự án Luật Dược (sửa đổi). Nhiều vấn đề “nóng” hiện nay trong lĩnh vực này được các thành viên của Ủy ban trao đổi nhằm hoàn thiện dự thảo để Luật Dược (sửa đổi) đảm bảo được chất lượng cũng giá cả phù hợp phục vụ người dân.

QH 240915 02.jpg

Quản lý chặt về giá thuốc

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, năm 2005, Luật Dược được ban hành đã đánh dấu một bước quan trọng trong hệ thống pháp luật về dược, là cơ sở pháp lý cao nhất thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về quản lý hoạt động dược. Sau 10 năm thi hành, Luật Dược đã dạt được những mục tiêu đặt ra khi xây dựng như: đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về dược, đảm bảo quyền của người dân được tiếp cận sử dụng thuốc có chất lượng, hợp lý và an toàn; tạo điều kiện cho ngành dược Việt Nam phát triển và hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, ngành dược vẫn chưa trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn. Các cơ sở sản xuất thuốc trong nước hạn chế về nguồn lực nên chủ yếu đầu tư các dây chuyền sản xuất các dạng bào chế đơn giản; chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc tận dụng tối đa nguồn dược liệu có sẵn nhằm thúc đẩy sản xuất, sử dụng thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền cũng như thuốc sắp hết hạn bằng sáng chế hoặc các độc quyền có liên quan để vừa bảo đảm được chất lượng thuốc, vừa bảo đảm hiệu quả điều trị, đồng thời giảm chi phí cho người sử dụng.

Về cơ bản, các quy định về nguyên tắc quản lý giá thuốc, biện pháp quản lý giá thuốc và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý Nhà nước về giá thuốc của Dự thảo Luật dược (sửa đổi) đã phù hợp với Luật Giá.

Tuy nhiên, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn cũng như dự thảo Luật Dược chưa làm rõ tiêu chí để đảm bảo tính khả thi đối với việc thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến sự ổn điịnh kinh tế - xã hội theo quy định tại Luật Giá. Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể tiêu chí thế nào biến động bất thường về giá thuốc có ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế - xã hội là cơ sở để Nhà nước can thiệp khi giá thuốc có biến động bất thường.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên thì vấn đề băn khoăn nhất của xã hội hiện nay là giá của các loại thuốc biệt dược, thuốc độc quyền còn cao và chỉ do một vài đơn vị phân phối độc quyền quyết định giá. Vì vậy, cần bổ sung quy định về việc Nhà nước đàm phán giá với các đơn vị cung ứng biệt dược, thuốc độc quyền cho thị trường Việt Nam để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng thuốc. Nhà nước Việt Nam nên có cơ chế gặp gỡ các hãng này và đàm phán, đề nghị bán thuốc với giá thích hợp của Việt Nam – ông Tiên nói.

Ưu tiên thuốc sản xuất trong nước

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân. Sản xuất thuốc ở trong nước mới đáp ứng được 50% nhu cầu; riêng nguyên liệu, bao bì sử dụng để sản xuất thuốc trong nước vẫn phải nhập tới 90% từ nước ngoài.

Hiện nay, Việt Nam có trên 180 nhà máy sản xuất thuốc tân dược hoặc thuốc dược liệu, trong đó có tới 150 nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), tuy nhiên đa số các nhà máy này có quy mô sản xuất nhỏ và chủ yếu sản xuất thuốc gốc. Nguồn dược liệu ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng, kể cả dược liệu quý hiếm, chất lượng tốt, nhưng chưa có quy định hợp lý để tạo điều kiện khai thác được thế mạnh này. Nếu Việt Nam ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên đủ mạnh cho việc nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn nguyên liệu, dược liệu có sẵn để phục vụ công nghiệp bào chế thuốc thì sẽ có tính khả thi cao.

Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị, Dự thảo Luật dược (sửa đổi) cần quy định cụ thể các chính sách, biện pháp để đảm bảo mục tiêu ưu tiên thuốc sản suất trong nước. Bên cạnh đó, cần quy định kiểm soát thuốc nhập khẩu từ nơi sản xuất, cải cách thủ tục hành chính trong việc đăng ký, gia hạn thuốc, xuất khẩu thuốc để thúc đẩy ngành dược trong nước.

Về vấn đề kiểm tra tại nhà máy sản xuất đối với thuốc nhập khẩu, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Tiên cho rằng, kinh nghiệm ở các nước khác là khi nhập khẩu thuốc phải đến nước sản xuất để kiểm tra, đánh giá và quyết định việc nhập khẩu, chi phí này do cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, Việt Nam nhập khẩu nhiều loại thuốc nhưng chưa có quy định phải đến nước sản xuất để kiểm tra. Như vậy chưa bình đẳng và khó kiểm soát nguồn cung cấp cũng như chất lượng của thuốc nhập khẩu. Do đó, quy định này cần bổ sung trong dự thảo Luật.

Khuyến khích phát triển y học cổ truyền

Theo Ủy ban về các vấn đề xã hội, dự thảo Luật Dược cần nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể về ưu tiên phát triển thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; nuôi trồng dược liệu làm thuốc, các quy định đặc thù nhằm sử dụng thuốc nam được thu hái và nuôi trồng tại Việt Nam; gìn giữ và nâng cao các bài thuốc gia truyền quý và bài thuốc do cơ sở y học cổ truyền sản xuất. Các quy định về thử lâm sàng và đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền dân tộc cần công khai, minh bạch, tránh cơ chế xin cho, tạo điều kiện cho y học cổ truyền phát triển như cho phép lưu hành, không cần thử lâm sàng các bài thuốc cổ truyền đã sản xuất, lưu hành và sử dụng trên 10 năm có hiệu quả, không có khiếu nại về chất lượng của thuốc, các loại thuốc cổ truyền mới sử dụng, có chứng minh kết quả tốt trên số lượng bệnh nhân nhất định. Ưu tiên đưa các dạng thuốc cổ truyền vào danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, để khuyến khích, thúc đẩy việc sản xuất đối với thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, dự thảo Luật đã quy định cụ thể về thuốc cổ truyền nhằm giới hạn việc các thuốc nước ngoài đăng ký vào Việt Nam dưới dạng cổ truyền, chỉ công nhận thuốc cổ truyền Việt Nam. Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư sẽ kết hợp đầu tư ngân sách với huy động các nguồn lực khác cho phát triển công nghiệp sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Có những ưu tiên trong mua sắm, cung ứng thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Dự thảo Luật cũng xây dựng 01 chương riêng gồm hai mục quy định về dược liệu nhằm tiêu chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; quy định về quản lý các loại thuốc cổ truyền nhằm đảm bảo tính an toàn, tính hiệu quả khi sử dụng, đồng thời phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn