Đảm bảo nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe toàn diện cho học sinh, sinh viên
17/08/2015 03:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) là một chính sách nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta. Được bắt đầu thực hiện từ năm học 1994 – 1995 theo Thông tư liên tịch số 14/1884/TTLT-BGDĐT-BYT ngày 19/9/1994 của liên Bộ Giáo dục – Đào tạo và Y tế; Qua 20 năm triển khai chính sách này ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe toàn diện cho HSSV, thế hệ tương lai của đất nước.
Nguồn tài chính quan trọng
Trong những năm qua, nhờ có nguồn kinh phí trích lại từ quỹ BHYT đã góp phần quan trọng trong phát triển y tế trường học (YTTH) nói riêng và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV nói chung.
Từ năm học 1994 – 1995, khi chính sách BHYT HSSV chính thức được triển khai, với quy định trích lại một phần kinh phí từ nguồn thu BHYT phục vụ phát triển YTTH. Báo cáo thống kê hàng năm cho thấy, nguồn kinh phí từ quỹ BHYT dành cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại YTTH ngày càng tăng. Con số này năm 2006 là 75 tỷ đồng thì đến năm 2013 đã là 441 tỷ đồng, tăng gấp 5,8 lần; còn đến năm 2014 là trên 500 tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa thì, tỷ lệ phân bổ kinh phí cho YTTH tại các cơ sở giáo dục cũng tăng dần từ nguồn quỹ BHYT và giảm dần nguồn đầu tư từ ngân sách. Cụ thể, năm 2006, kinh phí phân bổ cho công tác YTTH từ BHYT chiếm 39,4% thì đến năm 2011 đã tăng lên 70,4%; trong khi tỷ lệ kinh phí từ ngân sách nhà nước giảm từ 52,3% xuống còn 25,6%. Đến năm 2014 thì kinh phí từ quỹ BHYT là 81,3%, từ ngân sách giảm xuống còn 18,7%. Như vậy, BHYT đang giữ vai trò quan trọng trong nguồn kinh phí hoạt động của YTTH.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 12/7/2006 về tăng cường công tác YTTH và xác định phát triển BHYT HSSV là một trong những giải pháp quan trọng để tạo nguồn tài chính phát triển YTTH thì công tác BHYT HSSV và YTTH tăng rất nhanh. Sự phát triển YTTH tăng tỷ lệ thuận với độ bao phủ BHYT HSSV. Nếu như năm học 2006 – 2007, chỉ có 45% HSSV tham gia BHYT thì đến hết năm học 2014 – 2015, cả nước đã có trên 85% HSSV tham gia BHYT.
Góp phần phát triển hệ thống y tế trường học
Với hơn 22 triệu HSSV, tương đương với gần ¼ dân số, Ngành Giáo dục và Đào tạo đang đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, rèn luyện, chăm sóc sức khỏe trẻ em, thanh thiếu niên thông qua hệ thống YTTH.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, để các nhà trường thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV, ngay từ rất sớm, được sự chỉ đạo của Chính phủ, liên bộ Giáo dục – Đào tạo và Y tế đã quan tâm chỉ đạo các nhà trường và y tế cơ sở phối hợp triển khai y tế học đường. Tuy nhiên, ở thời gian đầu, do nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp cho y tế học đường hết sức hạn hẹp nên chưa thể hình thành mạng lưới y tế trường học riêng mà vẫn phục thuộc vào y tế cơ sở. Y tế cơ sở cùng một lúc phải thực hiện quá nhiều chương trình y tế nên cũng khó có sự quan tâm đầy đủ đến y tế học đường. Phải đến năm học 1994 – 1995, điều này mới được cải thiện. YTTH từ khoảng trắng đã dần được củng cố và hoàn thiện. Hiện nay, quỹ BHYT là nguồn kinh phí chủ yếu với trên 80% kinh phí hoạt động của YTTH.
Cùng với đó, số lượng cán bộ làm công tác YTTH cũng tăng rất nhanh. Nếu như năm 2006, số trường có cán bộ chuyên trách công tác YTTH là 17,38%, thì đến năm 2014, tỷ lệ này là 75%. Tỷ lệ trường có phòng y tế đã tăng từ 44,79% lên 82,56%; số trường đào tạo có trạm y tế tăng từ 55,9% lên 70,3%; một số trạm y tế còn phát triển thành Trung tâm y tế chăm sóc sức khỏe. Riêng các trường Đại học Y còn có cả bệnh viện thực hành, không chỉ thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV mà còn tham gia khám chữa bệnh BHYT.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, với nguồn kinh phí từ quỹ BHYT, hệ thống YTTH được củng cố và phát triển do được bổ sung trang thiết bị, sổ theo dõi sức khỏe, vật tư và thuốc thiết yếu, xử lý chấn thương, tai nạn, tăng cường các hoạt động giáo dục nâng cao sức khỏe, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm, các bệnh học đường.
Nguồn kinh phí từ quỹ BHYT cho công tác chăm sóc sức khỏe HSSV đang ngày càng trở thành nguồn tài chính quan trọng, chủ yếu phát triển YTTH, phát huy được hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, vừa giảm tỷ lệ mắc bệnh, vừa xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, và đặc biệt có điều kiện nâng cao sức khỏe HSSV.
Chỗ dựa quan trọng của gia đình HSSV “nhà nghèo, bệnh trọng”
Từ nguồn kinh phí quỹ BHYT trích lại, hệ thống YTTH đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại nhà trường. HSSV được nhà trường quản lý về sức khỏe, sơ cấp cứu, xử trí những tai nạn, thương tích hay xảy ra ở lứa tuổi học đường. Ngoài ra, HSSV tham gia BHYT còn có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế kịp thời, có chất lượng tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước với phạm vi quyền lợi ngày càng mở rộng do quỹ BHYT chi trả.
Không những góp phần phát triển YTTH, quỹ BHYT còn góp phần làm giảm bớt khó khăn về tài chính giúp nhiều HSSV "nhà nghèo, bệnh trọng" có điều kiện được điều trị khỏi bệnh để tiếp tục học tập, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bản thân và gia đình.
Tại tỉnh Thái Bình, trong năm học 2014-2015 có hàng trăm nghìn lượt HS được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh nội, ngoại trú; nhiều HS bị bệnh nặng, bệnh phải điều trị dài ngày đã được quỹ BHYT chi trả đầy đủ với chi phí lớn như: em Đặng Thị Oanh (trường THCS Quang Minh, huyện Kiến Xương) với tổng chi phí KCB BHYT là 105,249 triệu đồng; em Phạm Công Danh (trường THCS An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ) với tổng chi phí KCB BHYT là 83,918 triệu đồng; em Phạm Thị Hằng (trường THPT Tiên Hưng, huyện Đông Hưng) với tổng chi phí KCB BHYT là 73,025 triệu đồng, v.v.
Còn tại tỉnh Yên Bái, năm 2014 BHXH tỉnh Yên Bái đã chi cho công tác BHYT HSSV là 11,6 tỷ đồng (chi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV là 4,267 tỷ đồng). Nhiều HSSV tại các trường trong tỉnh tham gia BHYT không may bị mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau, tai nạn phải sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và điều trị tại các cơ sở y tế đã được hưởng quyền lợi thiết thực từ quỹ BHYT, như: em Vũ Thị Hải Yến (xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên); em Ngô Xuân Hiền (thành phố Yên Bái) bị bệnh tim đã được quỹ BHYT chi trả với số tiền hơn 53 triệu đồng, em Phạm Diễm Hà ở thị trấn Yên Bình bị bệnh thận cũng được quỹ BHYT chi trả với số tiền hơn 120 triệu đồng.
Ông Tiêu Sinh, Phó Giám đốc BHXH Quảng Ngãi cho biết, một số trường hợp HSSV khám chữa bệnh với chi phí cao được chi trả trên địa bàn tỉnh như: em Nguyễn Thị Oanh Kiều (SV Trường Đại học Tài chính kế toán) gần 400 triệu đồng; em Võ Tấn Anh (trường THPT số 1 Nghĩa Hành) 265 triệu đồng; em Nguyễn Cao Minh (trường THCS Nguyễn Nghiêm) 173 triệu đồng; em Nguyễn Thị Minh Thùy (trường Tiểu học số 2 Bình Chương) 94 triệu đồng…
Mỗi năm quỹ BHYT chi trả một khoản kinh phí rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cho các em, điều này đã giúp cho gia đình các em bớt đi khó khăn về kinh tế, nhất là đối với các em thuộc diện chính sách, hộ gia đình nghèo, vv...
Với nguồn kinh phí đáng kể phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại các trường học đã góp phần tăng cường thể chất, thực hiện có hiệu quả chiến lược đào tạo toàn diện con người của Đảng và Nhà nước.
Sau 05 năm tổ chức thực hiện Luật BHYT, với quy định HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia, đến hết năm 2014, với tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92% học sinh và 78% sinh viên trong cả nước, BHYT đang ngày càng khẳng định những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp trồng người, vì sức khỏe thế hệ tương lai của đất nước.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT