Người Việt thiếu kỹ năng ứng xử dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao

10/08/2015 03:30 AM


Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, tính đến cuối năm 2014 có 131.600 cử nhân trình độ Đại học và trên Đại học ra trường thất nghiệp.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này là do việc đào tạo tràn lan cung lớn hơn cầu, đào tạo không sát thực tế của doanh nghiệp khiến sinh viên ra trường không thể làm việc theo yêu cầu của doanh nghiệp. PGS.TS Vũ Ngọc Bảo (Đại học Thương mại) cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam cao với 2 lí do cơ bản. Thứ nhất, do hệ thống giáo dục Việt Nam “hơi già cỗi” so với sự phát triển của xã hội hiện nay. Bởi nhiều năm nay, hệ thống giáo dục chưa có sự thay đổi toàn diện từ giáo trình, cơ sở vật chất…Các trường chủ yếu chỉ dựa vào giảng viên của trường để đào tạo. Thứ hai, do học sinh, sinh viên của Việt Nam chọn ngành học là ngành mà bản thân thích chứ chưa đặt ra vấn đề xã hội cần nghề gì để hướng tới. Trong khi đó, mấy năm gần đây suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ, hàng nghìn doanh nghiệp phá sản khiến người lao động mất việc, sinh viên ra trường không xin được việc”.

Dưới cái nhìn của một nhà tuyển dụng, ông Nguyễn Thanh Sơn – Đại diện công ty cổ phần phát triển và đầu tư Việt Nhật khẳng định: “Hiện nay, nhu cầu về lao động kỹ thuật của thị trường Nhật Bản tại Việt Nam cũng như tại Nhật là rất lớn. Tuy nhiên, hàng nghìn sinh viên vẫn không có việc làm. Đó là do quá trình đào tạo khiến sinh viên ra trường thiếu từ kỹ năng chuyên ngành đến kỹ năng sống, thiếu kỹ năng ứng xử…và khả năng định hướng nghề nghiệp của người Việt kém”.

Nhìn nhận sự khác biệt giáo dục Việt – Nhật, đại diện công ty Ogawa (Nhật Bản) – ông IMOTO cho biết: “Sự phân chia cấp học của Việt Nam và Nhật Bản có sự khác biệt rõ rệt. Nếu ở Nhật, học sinh chủ động lựa chọn số tiết học, chỉ có trường chuyên tự quyết định số tiết cho học sinh của mình thì tại Việt Nam, học sinh bị động về thời gian học vì số thời gian, số tiết học đã được quy định sẵn. Hệ thống sách giáo khoa của Nhật luôn luôn được đổi mới và cải cách do chính giảng viên dựa vào tình hình thực tế học tập của sinh viên để update thông tin phù hợp cho sự phát triển của xã hội. Hơn nữa, trong quá trình học tập, sinh viên không chỉ được học kiến thức trong sách vở mà còn được thực hành, áp dụng thực tế. Chính vì vậy mà kỹ năng của sinh viên Nhật rất tốt”.

Lao động về nước đúng thời hạn thêm cơ hội trở lại Hàn Quốc

Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, kỳ kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt trên máy tính dành cho lao động đi làm việc ở Hàn Quốc trở về nước đúng thời hạn sẽ được tổ chức vào ngày 3/9. Theo Bản ghi nhớ giữa Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐTB&XH Việt Nam, tất cả những người có nguyện vọng đi làm việc ở Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của nước này (Chương trình EPS) sẽ phải tham dự kỳ thi tiếng Hàn EPS-TOPIK do Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) thực hiện. Kỳ kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt trên máy tính dành cho lao động đi làm việc ở Hàn Quốc trở về nước đúng thời hạn lần này sẽ diễn ra vào ngày 3/9 cho các ngành nghề: Sản xuất chế tạo, nông nghiệp, xây dựng, ngư nghiệp, dịch vụ. Theo Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước Phan Văn Minh, nếu thí sinh không phải là người lao động đã được tái tuyển dụng, về nước đúng thời hạn hoặc về nước trước khi hết hạn hợp đồng lao động thì kết quả thi của thí sinh đó sẽ không hợp lệ. Đặc biệt, những thí sinh đạt yêu cầu về tiếng Hàn sẽ được rút ngắn các thủ tục tái nhập cảnh, được đăng ký và bố trí việc làm nhanh hơn. Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất có thẩm quyền phái cử người lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS. Chỉ những người lao động đã đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn và nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại Trung tâm Lao động ngoài nước mới có thể được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc tuyển dụng. Mỗi ứng viên phải nộp chi phí với số tiền tương đương 24 USD để tham dự kỳ thi tiếng Hàn đặc biệt EPS-TOPIK và khoản tiền theo quy định của Bộ LĐTB&XH đã được công bố công khai để Trung tâm Lao động ngoài nước làm các thủ tục cho người lao động. Ngoài Trung tâm Lao động ngoài nước, không một tổ chức hay cá nhân nào được phép tham gia vào các quy trình đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Vì vậy, người lao động cần lưu ý và tự bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo của các đối tượng cò mồi.

Theo GDVN, Chinhphu.vn