Viện phí tăng: Tác động mạnh đến 30% người chưa có BHYT

06/08/2015 07:58 AM


Theo lộ trình được Chính phủ chấp thuận, từ năm 2016 - 2020 lần lượt đưa lương, phí quản lý, khấu hao tài sản cố định... vào giá dịch vụ. Trong đó lương được kết cấu trước năm 2016, tức là ngay trong năm 2015 này. Hiện liên Bộ Y tế - Tài chính chuẩn bị ban hành thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trong đó tính thêm phụ cấp theo lộ trình quy định.

KCB 060815.jpg

Đưa tiền lương vào giá khám bệnh...

Từ cuối năm 2014, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 50/2014/TT-BYT quy định việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật. Thông tư có hiệu lực từ đầu năm 2015. Ngoài một số phí như phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật thì tiền lương được kết cấu vào giá dịch vụ năm 2015.

Thời điểm này, Bộ Y tế đang lấy ý kiến các cơ sở y tế về việc đưa tiền lương vào giá khám bệnh, giá giường nằm, giá dịch vụ chẩn đoán hình ảnh và các phẫu thuật, thủ thuật theo chuyên khoa. Theo đó, giá giường bệnh tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng/ngày, chi phí phẫu thuật, thủ thuật tăng thêm 300.000 - 1,5 triệu đồng/ca. Liên bộ: Y tế - Tài chính sẽ ban hành thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình.

Theo dự thảo, bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I, chi phí tiền lương là 140.000 đồng/giường bệnh, trong đó cơ cấu lương bác sĩ 33.000 đồng; điều dưỡng, y tá 86.000 đồng và các chi phí quản lý, gián tiếp 20.000 đồng. Mức giá khám bệnh sau khi đã được kết cấu chi phí trực tiếp và tiền lương: Bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I là 40.000 đồng/lượt, hạng II: 39.000 đồng, hạng III: 34.000 đồng và hạng IV: 31.000 đồng. Thay cho mức thu tối đa tiền khám bệnh của các hạng BV này lần lượt là 20.000, 15.000, 10.000 và 7.000 đồng.

Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính - Bộ Y tế: Tiền phụ cấp cho một ca kỹ thuật cao nếu người bệnh phải đồng chi trả 20% thì tiền tăng cũng không được vượt quá 1,5 triệu đồng/ca.

Người bệnh nào sẽ bị ảnh hưởng?

Trước thông tin giá dịch vụ y tế sẽ điều chỉnh trong thời gian tới, bác Trần Văn Hậu, ở Nam Định, mắc bệnh parkinson và hô hấp điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho rằng: “Với những người mắc bệnh mạn tính như tôi cứ nghe giá dịch vụ y tế tăng là lo. Dù có thẻ BHYT nhưng tôi vẫn phải đồng chi trả thuốc men rồi cả kỹ thuật cao khi cần điều trị. Tháng nào cũng phải lên viện khám, điều trị cứ thêm một chút cũng tốn kém”.

“Về cơ bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình không làm ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người cận nghèo vì đã có BHYT chi trả toàn bộ hoặc phần lớn”, ông Nguyễn Nam Liên khẳng định như vậy.

Lý giải điều này, ông Liên cho rằng: Năm 2015 Luật BHYT đã có nhiều thay đổi. Về cơ bản không làm ảnh hưởng đến 14 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc, người sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo, người có công cách mạng, 9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi... Các đối tượng này khi đi khám, chữa bệnh được BHYT thanh toán 100% chi phí thay vì thanh toán 95%, đồng chi trả 5% như trước đây. Người cận nghèo cũng được giảm đồng chi trả từ 20% trước năm 2015 xuống còn 5% từ 2015. Giá dịch vụ y tế điều chỉnh sẽ tác động mạnh đến khoảng 30% dân số chưa có thẻ BHYT. Hiện Việt Nam có 6 triệu người cận nghèo và có 30% trong số này đã có thẻ BHYT. Số còn lại chưa tham gia bảo hiểm. Để hạn chế mức độ ảnh hưởng, người cận nghèo đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT, được thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Điều chỉnh giá dịch vụ y tế là theo đúng lộ trình. Việc điều chỉnh đảm bảo lợi ích của các bên. Với những người tham gia BHYT thì sẽ không ảnh hưởng nhiều. Bệnh viện Bạch Mai sẽ thực hiện theo đúng lộ trình, không có ngoại lệ./.

Giá dịch vụ y tế hiện nay được tính vào 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp, gồm thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải và duy tu, bảo dưỡng, thay thế thiết bị. Theo lộ trình, trong năm 2015 tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế, cộng thêm yếu tố tiền lương cho nhân viên y tế. Đến năm 2018, viện phí sẽ tính thêm chi phí quản lý và năm 2020 tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định.

Theo laodong.com.vn