Nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình góp phần giảm tải bệnh viện

04/08/2015 02:55 AM


Sáng nay, ngày 4/8/2015, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Sơ kết Đề án thí điểm Bác sĩ gia đình và xây dựng Đề án nhân rộng mô hình Bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020 dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tham dự có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, BHXH Việt Nam...

Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển tại nhiều nước trên thế giới từ Thế kỷ XX, nhưng với Việt Nam, đây là mô hình mới. Hoạt động bác sĩ gia đình bước đầu được tổ chức tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh với các mô hình khác nhau: Trung tâm bác sĩ gia đình, phòng khác bác sĩ gia đình, trạm y tế có hoạt động bác sĩ gia đình...

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm và làm việc với BV Quận 2 - TP HCM và Phòng khám thực hành y học bác sĩ gia đình tại BV Đại học Y dượ TP.HCM
Bộ trưởng Bộ Y tế thăm và làm việc với BV Quận 2 - TP HCM và Phòng khám thực hành y học bác sĩ gia đình tại BV Đại học Y dược TP.HCM

Theo Bộ Y tế, hiện nay, mô hình bệnh tật ở nước ta là mô hình bệnh tật kép, các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao, trong khi nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn đến nhu cầu KCB của người dân ngày càng tăng; việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi hỏi việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách. Do đó, nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Sau 2 năm triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2013 -2020”, Đề án được Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo sát sao, mạnh mẽ nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp giảm quá tải bệnh viện. Đến nay, đã có 6/8 Sở Y tế tổ chức thực hiện mô hình bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình tại địa phương. Một số tỉnh làm tốt như các Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế.

Một số trường Đại học chuyên ngành Y đã thực hiện đào tạo định hướng đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình; một số Sở Y tế đã cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình và giấy phép hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình. Các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang đã kiện toàn, thành lập 240 phòng khám bác sĩ gia đình. Từ năm 2013 đến tháng 6/2014, tại các phòng khám bác sĩ gia đình đã thực hiện được 353.000 lượt KCB; 2.743 lượt KCB cấp cứu; 7.002 ca thủ thuật và chuyển tuyến 11.514 ca; KCB tại nhà 2.391 ca...

Bên cạnh những ưu điểm, việc triển khai hoạt động bác sĩ gia đình ở nước ta hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình còn gặp khó khăn; thành lập Phòng khám bác sĩ gia đình chưa hấp dẫn đối với tư nhân...

Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá: Sau 2 năm triển khai Đề án xây dựng và phát triển phòng khám bác sĩ gia đình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đánh giá sự khởi đầu đúng hướng, phù hợp với nhu cầu xã hội, góp phần giảm quá tải bệnh viện, giải quyết bức xúc của xã hội. Mô hình này cần được nhân rộng trên cả nước, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Nguồn TC BHXH