“Thân phận” thuốc nội trên sân nhà
24/07/2015 09:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thuốc nội đang bị lép vế trong các bệnh viện, thậm chí ở những bệnh viện tuyến trung ương, hơn 80% số thuốc được kê đơn đều là thuốc ngoại. Tình hình đáng báo động đến mức Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tha thiết kêu gọi: “Yêu nước phải dùng thuốc Việt”, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến phải đề nghị: “Thầy thuốc khi cầm bút kê đơn hãy nghĩ tới thuốc nội trước nhất”. Bộ Y tế đã có hẳn chương trình “Con đường thuốc Việt” nhằm nâng cao vị thế, tăng thị phần cho thuốc nội đối với thị trường dược phẩm đã đạt quy mô gần ba tỷ USD trong nước. Nhưng con đường thuốc Việt vẫn đầy chông gai khi mà ngay trên sân nhà, “thân phận” của thuốc nội đang đầy “cám cảnh”...
Khi bệnh nhân khẩn khoản xin bác sĩ kê thuốc ngoại
Cầm cuốn sổ khám bệnh ghi đơn thuốc của bác sĩ Trịnh Ngọc Tý (Bệnh viện Đức Giang, Hà Nội), bệnh nhân Hoàng Văn An đứng tần ngần, một lúc sau mới lên tiếng hỏi: “Sao lại toàn thuốc nội thế này, hay là em có điều gì không phải nên bác sĩ kê cho em... thuốc nội?”. Bác sĩ Trịnh Ngọc Tý giải thích: “ Thuốc tôi kê có chất lượng không kém thuốc ngoại nhập, hiệu quả điều trị đã được chứng minh, giá lại bằng một nửa thuốc ngoại. Nhà bác nghèo nên dùng thuốc này phù hợp hơn”.
Bệnh nhân Trần Văn Ân, quê ở huyện Đông Anh (Hà Nội), bị mắc bệnh viêm xoang trán cấp cũng khẩn khoản: “Xin bác sĩ cứ kê cho tôi thuốc ngoại, đắt tôi cũng chịu được, có bán hai con trâu ở nhà tôi vẫn phải uống thuốc ngoại, uống thuốc nội tôi không yên tâm”. Bác sĩ Tý phải giải thích: “Theo quy định, tôi phải kê những loại thuốc mà bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho bác. Những thuốc này đã trúng thầu và hoàn toàn đạt mọi tiêu chuẩn chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế, bác cứ yên tâm”.
Bác sĩ Trịnh Ngọc Tý giọng đầy suy tư về tình trạng xin bác sĩ kê thuốc ngoại không còn lạ ở bệnh viện: “Không chỉ người dân mà nhiều bác sĩ cũng sính thuốc ngoại. Bệnh viện Đức Giang có nhiều bệnh nhân nghèo mà còn thế, càng lên tuyến trên tỷ lệ dùng thuốc ngoại trong đơn càng cao. Bác sĩ tuyến trên ít khi dám dùng thuốc nội cho bệnh nhân, vì dùng thuốc nội chẳng lẽ lại bằng tuyến dưới à? Nói vui vậy thôi, tâm lý của bệnh nhân tuyến trên là hãy kê những loại thuốc tốt nhất cho tôi. Bác sĩ bị tác động bởi tâm lý đó và cũng bị áp lực phải chữa khỏi bệnh, nếu không chữa khỏi bệnh họ cũng bị mất uy tín. Ở tuyến trên hầu hết đều bệnh nhân nặng nên bác sĩ phải cân nhắc khi kê đơn”.
Bệnh viện Bạch Mai - là một bệnh viện tuyến trên, khi phóng viên khảo sát một số khoa điều trị, “soi” những đơn thuốc của bác sĩ kê cho bệnh nhân, nhận thấy đến 80% các loại thuốc trong đơn đều là thuốc nhập ngoại, sản xuất tại các nước: Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái-lan... Thuốc nội vắng bóng trong những đơn thuốc ấy, nếu có chỉ vài loại đơn giản và rẻ tiền.
Hay tại khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, những đơn thuốc được kê cho các bệnh nhân thập tử nhất sinh hầu như đều thuốc ngoại. Ngay cả nước sát trùng cho người bị tai nạn giao thông cũng được mua của nước ngoài... Chị Nguyễn Thị Liên, cầm tờ đơn toàn thuốc ngoại phải mua lên tới 2 triệu đồng, nhăn nhó: “Chồng tôi đang bị chấn thương sọ não nên phải dùng thuốc tốt, mà thuốc ngoại thì vẫn tốt hơn. Dùng thuốc nội rẻ tiền hơn nhưng tôi không dám mạo hiểm với tính mạng của chồng”. Với những gì tận thấy ở một số bệnh viện tuyến trung ương, có thể nói, thuốc nội đang hoàn toàn “lấm lưng trắng bụng” trong cuộc chiến với thuốc ngoại trên sân nhà. Thực tế này hoàn toàn phản ánh đúng thống kê của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế): thuốc nội được kê ở các bệnh viện tuyến trung ương chỉ khoảng 12%, ở tuyến tỉnh 34% và tuyến huyện khoảng 62%.
Ở các phòng khám tư nhân, thuốc nội càng vắng bóng. Bác sĩ Nguyễn Tá Dũng, giám đốc trung tâm Bác sĩ Gia đình ở 75 Hồ Mễ Trì ( Hà Nội) mở máy tính cho tôi xem danh mục thuốc vẫn thường kê đơn. Mới chỉ tên các loại thuốc bắt đầu bằng chữ A đã có biết bao nhiêu là thuốc ngoại. Toàn bộ danh mục có tới 24.000 tên thuốc, trong đó thuốc ngoại chiếm hơn 90%. Bác sĩ Dũng in cho tôi 10 đơn thuốc vừa kê cho bệnh nhân gần đây thì cả 10 đơn đều dùng thuốc ngoại. Bác sĩ Dũng chia sẻ: “80% bệnh nhân của chúng tôi dùng thuốc ngoại. Một số lần kê đơn thuốc nội, họ từ chối cả thuốc nội miễn phí của bảo hiểm để mua thuốc ngoại dùng. Những người dùng thuốc nội hầu hết là người lao động nghèo, tiểu sử ít bệnh tật, không bị nhờn thuốc, chấp nhận giảm chi phí chữa bệnh. Thuốc nội chủ yếu là kháng sinh, nước sát trùng, thuốc bù điện giải”.
Bác sĩ Nguyễn Tá Dũng cũng cho biết thêm, trong ba năm qua, ông đã trực tiếp đi tận nhà khám, chữa bệnh cho 5.000 bệnh nhân đủ cả các khoa nội, ngoại, sản, nhi... nhưng hầu hết đều muốn dùng thuốc ngoại.
Không thể “đánh cược sinh mạng” người dân vào thuốc ngoại
Ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Y tế nhận định: “Dược phẩm là thị trường đặc biệt, người tiêu dùng không quyết định mình dùng thuốc nào, thầy thuốc là người quyết định. Vấn đề của dược phẩm trong nước là phải được thầy thuốc tin dùng. Phải công nhận một thực tế ngành công nghiệp dược của nước ta vẫn còn non trẻ, đặc biệt là so với các tập đoàn đa quốc gia. Tâm lý chuộng thuốc ngoại cũng là thường tình. Chính phủ đã có chương trình phát triển ngành dược trong nước, vì chúng ta không thể đánh cược toàn bộ tính mạng của dân tộc khi ốm đau vào các công ty thuốc nước ngoài”.
Chuyện “đánh cược sinh mạng” mà ông Truyền đề cập đến hoàn toàn có thể hiểu được khi mà thị trường dược phẩm đạt gần ba tỷ USD đã bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm hơn một nửa. Thuốc trong nước sản xuất chưa chiếm được 50% thị phần, chủ yếu là các loại bào chế, gia công đơn giản, giá trị thấp. Ngay cả BHYT, thuốc ngoại vẫn chiếm phần hơn. Ông Vũ Xuân Hiển, Trưởng ban Dược - Vật tư Y tế (BHXH Việt Nam) cho hay: “Năm qua, Bảo hiểm y tế chi 25 nghìn tỷ đồng tiền thuốc, trong đó thuốc nội chiếm 40%, thuốc ngoại chiếm 60%”.
Việc thuốc nội mất ưu thế trong kê đơn không chỉ vì tâm lý của người bệnh mà thực tế còn do các nhà sản xuất trong nước chưa sản xuất được thuốc đặc trị. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng khoa Thalassemia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương- cho hay các bệnh nhân ở đây mắc bệnh máu chảy không đông, đều dùng những loại thuốc ngoại đặc trị rất đắt tiền. Bác sĩ Hà vẫn mong sử dụng thuốc nội để giảm chi phí cho những người kiệt quệ gia sản vì suốt đời phải chung thân với bệnh viện này, nhưng mới chỉ có thuốc thải sắt trong nước sản xuất được. Bác sĩ Trần Thị Nguyệt Nga, Trưởng khoa nội Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba cũng cho biết: “Khi chúng tôi mở thầu, có 28 mặt hàng thuốc không có công ty dược trong nước nào chào thầu, mặc dù có nhiều loại thuốc đơn giản như bổ phế. Bệnh viện muốn dùng thuốc nội cũng khó”.
Để thay đổi “cán cân” giữa thuốc nội và thuốc ngoại, Bộ Y tế đã kêu gọi “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, và cho ra mắt chương trình “Con đường thuốc Việt”. Qua hơn một năm phát động, “Con đường thuốc Việt” đã đạt những kết quả đáng khích lệ như số lượng và giá trị thuốc sản xuất trong nước trúng thầu tại bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh đều tăng gấp hai lần... Nhưng để thuốc nội thật sự lên ngôi trên sân nhà, bước đột phá lại không nằm ở những lời kêu gọi hay vận động mà điều căn bản nhất như khẳng định của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Phải xây dựng được một nền công nghiệp dược tiên tiến, hiện đại để đủ sức cạnh tranh với thuốc ngoại nhập. Việc thuốc nội mất ưu thế trong kê đơn không chỉ vì tâm lý của người bệnh mà thực tế còn do các nhà sản xuất trong nước chưa sản xuất được thuốc đặc trị.
Ông Lê Văn Truyền, Chuyên gia dược học, nguyên Thứ trưởng Y tế: “Phải đầu tư để nâng cao chất lượng thuốc nội”
Sau khoảng gần 20 năm áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP) là quy chế bắt buộc trong các nhà sản xuất dược phẩm thì ngành dược chúng ta đã có một bước trưởng thành. Tuy nhiên, cũng phải công nhận một thực tế rằng, ngoài việc áp dụng tiêu chuẩn trong thực hành sản xuất thuốc tốt thì còn phải đầu tư nhiều hơn nữa vào công tác nghiên cứu và phát triển để xây dựng được chất lượng thuốc ngay từ khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Tôi cho rằng đầu tư vào nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả điều trị mới là đầu tư đúng hướng. Và trên cơ sở những đầu tư như vậy, chúng ta mới có thể cung cấp được các bằng chứng cho các thầy thuốc là thuốc nội có hiệu quả tương đương với thuốc ngoại nhưng giá cả hợp lý để đáp ứng được trình độ phát triển kinh tế hiện nay của đất nước cũng như khả năng tài chính của người dân. Bên cạnh đó, chung quanh chuyện đấu thầu thuốc còn nhiều vấn đề đòi hỏi cơ quan quản lý điều chỉnh kịp thời. Luật Đấu thầu năm 2013 đã có một chương riêng quy định về đấu thầu thuốc, trước đây không có chương đó. Trong Luật này đã đưa ra chính sách: nếu trong nước có những thứ thuốc chất lượng tốt, hiệu quả và giá có thể cung cấp được cho người dân một cách đầy đủ, sẵn sàng thì chúng ta sẽ ưu tiên cho sản phẩm trong nước. Có thể, một số người cho rằng đây là sự phân biệt đối xử giữa hàng trong nước và hàng nước ngoài, nhưng theo tôi biết hầu hết các nước đang phát triển đều có chính sách như vậy. Trong chính sách đấu thầu thì Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã có một thông tư hướng dẫn về lập hồ sơ thầu và hướng dẫn đấu thầu thuốc trong bệnh viện. Tôi cho rằng trong thông tư này, các tiêu chí để xét thầu về mặt chất lượng phải được ưu tiên hơn là tiêu chí về mặt giá cả. Chất lượng là cái sàng lọc để chúng ta có thể loại bớt những loại thuốc dù là thuốc nước ngoài không đạt chất lượng vào trong bệnh viện, còn giá cả là câu chuyện tiếp theo, chúng ta không hy sinh chất lượng để đổi lấy giá cả.
Ông Vũ Xuân Hiển, Trưởng ban Dược - Vật tư Y tế, BHXH Việt Nam: “Phải quán triệt tinh thần ưu tiên sử dụng thuốc nội”
Để thuốc nội vào bệnh viện nhiều hơn, tôi cho rằng trước hết là các cơ sở bảo hiểm y tế phải thực hiện tốt các văn bản pháp luật quy định hiện hành liên quan đến vấn đề đấu thầu mua thuốc. Cụ thể hóa Luật Đấu thầu và đặc biệt là trong Thông tư 01, Thông tư 36 không có quy định tỷ lệ các nhóm, không quy định tỷ lệ số lượng các nhóm thuốc nội bao nhiêu, thuốc ngoại bao nhiêu. Các hội đồng đấu thầu bệnh viện phải quán triệt tinh thần ưu tiên sử dụng thuốc nội. Theo tôi, giải pháp căn cơ nhất là tập trung phát triển công nghiệp dược, làm thế nào đổi mới được tiêu chuẩn chất lượng của các nhà máy sản xuất thuốc Việt Nam, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế để sản xuất ra được thuốc chất lượng cao. Làm thế nào mà các doanh nghiệp, nhà máy thuốc ở Việt Nam sản xuất được các loại thuốc chất lượng cao trong tương lai. Các bộ ngành ban hành các văn bản pháp luật nhưng vấn đề tổ chức thực hiện như thế nào thì phải có sự phối hợp để chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế thực hiện tốt việc đấu thầu mua thuốc cũng như sử dụng các danh mục thuốc trong cơ sở khám chữa bệnh. Cuối cùng, công tác thông tin tuyên truyền phải đẩy mạnh hơn nữa nhằm thay đổi nhận thức của bác sĩ, nhận thức của người dân trong việc sử dụng thuốc cũng như chỉ định thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Bác sĩ Trần Thị Nguyệt Nga, Trưởng khoa nội BV Việt Nam - Cuba: “Bác sĩ cần thông tin cho người bệnh hiệu quả của thuốc nội”
Bác sĩ trực tiếp điều trị cũng như kê đơn thuốc trong bệnh viện có vai trò rất quan trọng trong việc sử dụng thuốc của bệnh nhân. Vai trò thứ nhất đó là lựa chọn thuốc hợp lý, phù hợp với bệnh của người bệnh đến khám, khi hiệu quả điều trị cao, bệnh nhân sẽ tin tưởng hơn. Lúc đó người ta sẽ không quan niệm là thuốc nội hay thuốc ngoại miễn rằng bệnh khỏi mà giá cả lại phù hợp với nguồn thu nhập của họ. Vai trò thứ hai, thầy thuốc phải quan tâm đến vấn đề tìm hiểu thông tin về thuốc. Hiện nay nguồn cung cấp thông tin về thuốc nội rất ít. Tỷ lệ chi cho quảng cáo của công ty nước ngoài cao hơn ở Việt Nam và thực tế thì chúng tôi cũng tiếp nhận thông tin từ các công ty dược nước ngoài nhiều hơn. Những công ty dược ở Việt Nam ít khi cung cấp cho các bác sĩ nguồn thông tin thuốc. Do vậy các bác sĩ không biết được rằng loại thuốc nào sản xuất từ Việt Nam có trên thị trường, có ở quầy thuốc của bệnh viện để bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh. Đó cũng là khó khăn lớn trong việc ưu tiên sử dụng thuốc nội. Vai trò thứ ba, người thầy thuốc cần biết tuyên truyền, cần biết ảnh hưởng đến người bệnh và thông tin cho họ rằng những thuốc Việt Nam cũng có hiệu quả điều trị. Nhưng muốn tuyên truyền hiệu quả thì bác sĩ phải điều trị khỏi cho người bệnh bằng thuốc Việt thì họ mới tin.
Dược sĩ Lê Thị Bình, Tổng Giám đốc dược phẩm Tâm Bình: “Để thuốc nội chiếm lĩnh thị trường phải có chính sách lớn và đồng bộ”
Tôi khẳng định nếu nguyên liệu đầu vào bằng nhau thì chất lượng thuốc nội không kém gì thuốc ngoại. Nhưng trong cuộc chiến cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp muốn hạ giá thành sản phẩm nên đã nhập nguyên liệu rẻ tiền hoặc “cận đát” về để sản xuất thuốc nên kéo theo chất lượng của nhiều thuốc nội rất thấp. Tôi vẫn phải dùng thuốc kháng sinh ngoại vì hàm lượng hoạt chất cao hơn nhiều so với kháng sinh nội. Trong đấu thầu thuốc ở các bệnh viện, cũng đừng nên lấy tiêu chí giá rẻ, mà phải lấy tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, vì thuốc ngoại giá rẻ chất lượng cũng tương ứng, không khéo chúng ta lại nhập rác về. Muốn thuốc nội chiếm lĩnh thị phần nội địa thì Nhà nước phải có chính sách lớn và đồng bộ. Nếu một doanh nghiệp dược phẩm nhập nguyên liệu chất lượng cao về để sản xuất thì làm sao cạnh tranh được về giá với doanh nghiệp khác luôn nhập nguyên liệu kém chất lượng. Nhà nước phải bảo vệ người tiêu dùng, làm sao để họ mua được thuốc đúng giá thành, đúng chất lượng (chứ không nói mua được thuốc giá rẻ nữa). Doanh nghiệp muốn nhập dược liệu tốt về nhưng doanh nghiệp bên cạnh nhập hàng kém chất lượng, bán rẻ thì làm sao cạnh tranh được. Những dược phẩm nào trong nước làm được thì phải ưu tiên doanh nghiệp nội địa, phải bảo hộ ngành dược non trẻ trong nước.
Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco: “Mức chi cho quảng cáo thấp hạn chế sức cạnh tranh của thuốc nội”
Thực tế hiện nay mức chi quảng cáo các mặt hàng dược phẩm của doanh nghiệp nước ngoài là 30%. Thời gian gần đây Chính phủ mới đồng ý cho khoản chi phí này cho các doanh nghiệp thuốc nội là 15% trong khi trước đây chỉ có 10%. Mức chi cho quảng cáo thấp này cũng hạn chế sức cạnh tranh của thuốc nội. Chúng tôi luôn muốn người dân cũng như thầy thuốc hiểu được ngành công nghiệp dược phát triển đến đâu, chất lượng như thế nào? Để đạt mục đích đó, chúng tôi phải dùng đến các phương tiện truyền thông, thông qua quảng cáo, thông qua hoạt động PR, thông qua các hội thảo cho các đối tượng như thầy thuốc, người tiêu dùng, các tổ chức xã hội. Muốn vậy thì phải có kinh phí đủ mạnh để truyền thông những giá trị phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam cho người dân biết. Vì từ xưa đến nay, tư tưởng sính ngoại là một cản trở, nếu không truyền thông thì người dân đâu có biết và tin dùng thuốc Việt! Trong đấu thầu thuốc ở các bệnh viện, cũng đừng nên lấy tiêu chí giá rẻ, mà phải lấy tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, vì thuốc ngoại giá rẻ chất lượng cũng tương ứng, không khéo chúng ta lại nhập rác về.
Theo 24h.com.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT