Đề xuất sửa đổi đối tượng hưởng lương dạy thêm giờ

20/07/2015 09:36 AM


Bộ Tài chính trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long về việc thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khoá XIII, Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long gửi chất vấn Bộ Tài chính nội dung sau: “Ngày 8/3/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn chế độ dạy thêm giờ đối với các nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Theo Thông tư này, hướng dẫn chế độ dạy thêm giờ đối với các nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: Cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật). Nhưng hiện nay trong thực tế ở đơn vị cấp huyện và tương đương còn có một số Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện được thành lập theo Quyết định số 185/QĐTW ngày 3/8/2008 của Ban Bí thư. Theo đó, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng có Quyết định số 1853-QĐ/BTGTW ngày 4/3/2010 ban hành Quy chế về việc giảng dạy và học tập của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và tương đương. Trong Quyết định này, tại Điều 7 quy định cụ thể giờ chuẩn của cán bộ giảng dạy tại Trung tâm, cách tính quy đổi ra giờ dạy thêm, vượt chuẩn. Hiện nay, trong Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định về việc trả thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập thì đối tượng áp dụng không có Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và tương đương nên tài chính địa phương từ chối thanh toán khoản tiền vượt thêm giờ này. Các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong tỉnh Vĩnh Long đã có ý kiến chất vấn về vấn đề này đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và cá nhân tôi. Tôi muốn hỏi, tiền dạy thêm giờ theo Quyết định số 1853-QĐ/BTGTW ngày 4/3/2010 của giảng viên đang dạy tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và tương đương áp dụng theo hướng dẫn nào?”

Về vấn đề này, Bộ Tài chính trả lời Đại biểu Lưu Thành Công như sau:

Ngày 8/3/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì cùng Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định về đối tượng và phạm vi áp dụng thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Khoản 1, Điều 1 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định về đối tượng và phạm vi áp dụng thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có nêu: “Cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được nhà nước cấp kinh phí hoạt động". Như vậy, phạm vi thực hiện và đối tượng áp dụng của Thông tư liên tịch nêu trên không bao gồm các Trung tâm bồi dưỡng Chính trị thuộc cấp huyện và tương đương. Do đó, các nhà giáo trực tiếp giảng dạy tại các Trung tâm trên không thuộc đối tượng được hưởng chế độ trả lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC.

Thống nhất về chế độ trả lương dạy thêm giờ

Liên quan đến kiến nghị của Đại biểu, Bộ Tài chính cũng đã nhận được phản ánh của một số địa phương về vấn đề này. Bộ Tài chính nhận thấy, trên thực tế, nhà giáo giảng dạy tại các Trung tâm bồi dưỡng Chính trị cấp huyện và tương đương có chức năng nhiệm vụ tương đồng với nhà giáo giảng dạy tại các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu chính sách để bảo đảm chế độ đối với các nhà giáo này. Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 07: “Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các Bộ ngành, địa phương phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết”. Bộ Tài chính đã có các văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ trì xây dựng Thông tư liên tịch số 07, nghiên cứu và hướng dẫn các địa phương nhằm bảo đảm thống nhất về chế độ trả lương thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Bộ Tài chính xin tiếp thu kiến nghị của Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công và sẽ chuyển kiến nghị nêu trên đến Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung đối tượng được hưởng chế độ trả lương dạy thêm giờ nhằm bảo đảm quyền lợi đối với các nhà giáo đang giảng dạy tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và tương đương.

Theo Chinhphu.vn