Doanh nghiệp “tung chiêu” mới chạy nợ BHXH: Cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của DN

20/07/2015 09:40 AM


Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TPHCM - nhận xét: Pháp luật hiện nay DN có quyền chuyển nhượng tài sản của DN nhưng không có quyền chuyển nhượng NLĐ. Trong quá trình sử dụng LĐ thì DN phải đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của NLĐ như tiền lương, phụ cấp, BHXH, BHYT, BHTN, hoặc sau khi chấm dứt HĐLĐ thì giải quyết các chế độ trợ cấp, trả đủ tiền lương, chốt sổ BHXH…

Phối hợp bảo vệ quyền lợi NLĐ

Luật sư Lễ phân tích, khi DN đã bán toàn bộ tài sản, nếu không thể hoạt động nữa, hoặc sẽ tạm dừng hoạt động, tách-nhập, giải thể thì DN phải có trách nhiệm lập phương án sử dụng theo quy định của Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Trường hợp phải cho NLĐ thôi việc thì DN phải thực hiện đúng thủ tục chấm dứt HĐLĐ với NLĐ và giải quyết các quyền lợi của NLĐ theo quy định tại các điều 36, 44, 45, 46, 48, 49 của BLLĐ 2012. DN phải thông báo cắt giảm lao động đối với cơ quan BHXH và thực hiện nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ đến thời điểm cắt giảm lao động và chốt sổ, hoàn trả sổ BHXH cho NLĐ.

Đối chiếu theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 khi DN bị chia tách, sáp nhập, chuyển đổi thì DN mới phải kế thừa toàn bộ, cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, HĐLĐ và nghĩa vụ tài sản khác của DN bị chia hoặc thoả thuận với chủ nợ, khách hàng và NLĐ để DN mới có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ nêu trên trừ khi có thoả thuận khác.

“Mọi hành vi mua bán tài sản, chuyển nhượng của DN thì NLĐ, CĐCS (nếu có) phải nắm bắt kịp thời và thông báo với chính chủ DN hoặc báo cáo CĐ cấp trên để thực hiện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tổ chức CĐ cần liên tịch với các cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, thuế, BHXH, LĐTBXH xây dựng quy chế phối hợp trong các trường hợp DN chuyển nhượng mua bán tài sản, chia tách, chuyển đổi, giải thể, nợ BHXH… để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ” - LS Lễ đề nghị.

Phải quy định trách nhiệm của NSDLĐ mới

Chia sẻ quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Kha (Văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Hậu & Cộng sự, Đoàn Luật sư TPHCM) phân tích: Theo khoản 2, 3, Điều 45, BLLĐ 2012 và Điều 15 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của BLLĐ 2012, thì: “Trong trường hợp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, thì NSDLĐ trước đó phải lập phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của bộ luật này” và “trong trường hợp NSDLĐ cho NLĐ thôi việc theo quy định tại điều này thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ theo quy định tại Điều 49 của bộ luật này”.

Với những quy định này không làm rõ được trách nhiệm của NSDLĐ với quyền lợi về BHXH của NLĐ, đặc biệt là trong trường hợp NSDLĐ trước đó không lập phương án sử dụng lao động. Về bản chất, NLĐ có quan hệ lao động với DN, bất kể chủ sở hữu của DN là ai thì NSDLĐ luôn là DN. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 BLLĐ, thì “NSDLĐ là DN, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ…”. Theo các quy định trong Luật Doanh nghiệp thì NSDLĐ chỉ được xem là thay đổi trong các trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi DN, và trong các trường hợp thay đổi NSDLĐ này, pháp luật đều quy định NSDLĐ (là các công ty mới sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi) phải hoặc cùng liên đới chịu trách nhiệm về HĐLĐ và các nghĩa vụ khác.

“Cần có quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu DN mới phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ quyền và nghĩa vụ của NLĐ nếu NSDLĐ trước đó không lập phương án sử dụng lao động. Có như thế, khi chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của DN, những người chuyển nhượng mới quan tâm đến những quyền lợi của NLĐ chưa được hưởng” - LS Kha kiến nghị.

Theo Báo Lao động