Sửa đổi Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần linh hoạt theo nguyên tắc “đóng – hưởng” và có sự chia sẻ

15/06/2015 08:12 AM


Quốc hội vừa mới thảo luận tại Hội trường về Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu đều nhận định: các quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tại Điều 60 là thể hiện quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về mở rộng diện bao phủ BHXH, đáp ứng quyền lợi lâu dài người lao động và góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Ý kiến chung của nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về việc bảo lưu Điểm c, Khoản1, Điều 55 Luật BHXH năm 2006 đến một thời gian nào đó.

NLD 150615.jpg

Đây chỉ là giải pháp tình thế, vì vậy chúng ta cần phải có giải pháp căn cơ lâu dài để đưa luật đi vào cuộc sống.

Chúng ta đã biết, BHXH là một trong những trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội của mỗi quốc gia. BHXH mạnh thì hệ thống an sinh xã hội quốc gia mới bền vững. Ngược lại, khi BHXH không ổn định hoặc kém phát triển, hệ thống an sinh xã hội quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mục đích tham gia BHXH của người lao động là để có được sự bù đắp về thu nhập khi gặp phải những “rủi ro xã hội” trong quá trình lao động và có được cuộc sống đảm bảo sau khi hết tuổi lao động, được nghỉ hưu. Do vậy, Luật BHXH (sửa đổi) không khuyến khích việc hưởng BHXH một lần, trừ những trường hợp đặc biệt.

Khi hưởng BHXH một lần, người lao động sẽ được nhận một khoản tiền nhất định (thường gọi là hưởng “một cục”), có thể giúp họ trong ngắn hạn, nhưng chưa thể đảm bảo cuộc sống dài hạn cho họ. Do đó, nguy cơ về gánh nặng an sinh xã hội sẽ lại “chuyển” từ người lao động sang Nhà nước và xã hội, nhất là đối với những người khi nghỉ việc ở độ tuổi 40-50 tuổi. Sẽ ra sao nếu bạn ở độ tuổi 40-50, có 10 năm đóng BHXH với mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là 4 triệu đồng/tháng. Khi đó bạn nhận BHXH một lần là 60 triệu đồng (10 năm x 1,5 tháng lương/năm x 4 triệu đồng, đối với những trường hợp tham gia BHXH trước năm 2014). Có chắc rằng với số tiền này đảm bảo cho bạn có số vốn làm ăn để thay đổi cuộc sống và đảm bảo cho bạn lúc tuổi già, sức yếu không? Ai sẽ là người sẽ “lo” cho bạn khi bạn bị ốm đau, không người chăm sóc trong lúc tuổi già, hoặc khi bạn nhận được số tiền một lần vài năm thì phát hiện mắc bệnh nan y (ung thư)? Với số tiền nêu trên có đảm bảo chi trả cho chữa bệnh và cho cuộc sống của bạn không? Và “gánh nặng” trước hết sẽ trao cho người thân của bạn (con cái, anh em) hoặc Nhà nước hoặc xã hội.

Chúng ta cần hiểu thêm, Luật BHXH (sửa đổi) cho phép người lao động đang bảo lưu, được đóng BHXH nhiều lần, đóng ở nhiều nơi, nhiều khu vực tham gia khác nhau (bao gồm cả đóng BHXH tự nguyện), đối với những giai đoạn gián đoạn vẫn được cộng dồn cho đến khi đủ điều kiện nhận chế độ Hưu trí. Ngoài ra, khi chưa nhận chế độ BHXH một lần, trong thời này nếu không may người lao động từ trần thì thân nhân của họ được nhận tiền trợ cấp mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở; được hưởng cả trợ cấp tuất một lần hoặc tuất hàng tháng, theo tính toán mức hưởng này lớn hơn mức hưởng BHXH một lần.

Vì những lý do nêu trên, Luật BHXH (sửa đổi) không khuyến khích việc hưởng BHXH một lần, mà đề cao chế độ Hưu trí vì nó sẽ giúp chúng ta ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động. Trong chúng ta, nếu ai có bố, mẹ, anh chị, bạn bè hoặc người thân đang được hưởng chế độ Hưu trí thì sẽ thấy rõ những ưu điểm này, với đồng lương hưu sẽ giúp cho họ ổn định cuộc sống không phụ thuộc vào con cái; đồng thời được Nhà nước cấp thẻ BHYT để được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe khi ốm đau.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Quốc hội sẽ gửi phiếu thăm dò ý kiến đến các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề sửa hay không sửa Điều 60, Luật BHXH (sửa đổi), sau đó sẽ xem xét quyết định theo ý kiến chung của đại biểu Quốc hội. Theo tôi, đây là chính sách lớn, liên quan đến lợi ích người lao động và chính sách an sinh xã hội của Quốc gia, đề nghị Quốc hội có cân nhắc sửa đổi linh hoạt theo nguyên tắc “đóng - hưởng” và có sự chia sẻ nhằm tạo điều kiện tối đa cho người lao động có thể tham gia lại vào hệ thống BHXH để đủ điều kiện hưởng chế độ Hưu trí theo quy định. Mặt khác, cũng nên có những quy định ràng buộc về số thời gian đã tham gia BHXH trước khi hưởng BHXH một lần (ví dụ từ 05 năm trở lên) hoặc ràng buộc về độ tuổi có thể hưởng BHXH một lần (có thể là trên 50 tuổi chẳng hạn). Cần xem xét lại các quy định về BHXH tự nguyện và sự vận hành của hệ thống này để khuyến khích hơn nữa người lao động tham gia, nhất là những người đã từng tham gia BHXH bắt buộc. Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về số tiền đóng BHXH tự nguyện và cần nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm các chế độ BHXH tự nguyện, ngoài hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Đối với địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật BHXH. Việc truyên truyền pháp luật về BHXH cần đa dạng hóa các hình thức, phương thức tuyên truyền, nhất là phải làm cho người lao động hiểu rõ lợi ích trước mắt, lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH của người lao động, cũng như hệ lụy lâu dài trong cuộc sống của người lao động khi chỉ nghĩ về lợi ích trước mắt, dù là lợi ích chính đáng./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn