Nhiều chính sách hỗ trợ cho người cận nghèo tham gia BHYT
05/06/2015 03:45 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Một số vấn đề thực hiện BHYT theo hộ gia đình, hỗ trợ hộ cận nghèo tham gia BHYT, xây dựng giá dịch vụ y tế cơ bản trong thực hiện chính sách BHYT, thẻ BHYT… đã được Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn trao đổi tại khóa Tập huấn trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách BHXH, BHYT thuộc các cơ quan thông tấn báo chí khu vực phía Bắc do BHXH Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức tại Ninh Bình vừa qua.
PV: Thưa ông, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình. Xin ông cho biết, hộ nghèo và hộ cận nghèo sẽ tham gia BHYT như thế nào?
Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn: Hộ nghèo là hộ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT. Hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí. Hộ cận nghèo được xác định nằm ở nhóm 4, là nhóm được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ, còn nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình là nhóm 5, nên hộ cận nghèo vẫn phải tham gia theo cá nhân, không được giảm trừ theo số người tham gia của hộ gia đình.
Ở Việt Nam, khoảng cách giữa nghèo và cận nghèo không lớn, cho nên rất nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước hỗ trợ 100% cho hộ cận nghèo. Nhưng theo những tính toán từ phía Ngân sách thì hiện nay chưa thể đáp ứng việc hỗ trợ 100% kinh phí cho hộ cận nghèo. Ngân sách Nhà nước đang hỗ trợ 70% kinh phí tham gia BHYT cho hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, BHYT thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, có trách nhiệm tham gia của người thụ hưởng nhằm đảm bảo công bằng giữa các đối tượng.
Để hỗ trợ cho những người cận nghèo tham gia BHYT còn rất nhiều chính sách hỗ trợ khác. Nhà nước khuyến khích UBND các tỉnh dùng các nguồn kinh phí của địa phương hỗ trợ nốt số 30% mức đóng còn lại. Theo thống kê, hiện nay có 32/63 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ 30% này. Bên cạnh đó còn có các nguồn xã hội hóa khác. Việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc cộng thêm các nguồn hỗ trợ khác sẽ giúp người cận nghèo khắc phục được những khó khăn.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết về quy định giảm trừ mức đóng và khái niệm“người thứ nhất” trong thực hiện BHYT theo hộ gia đình?
Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn: Luật quy định có rất nhiều ưu đãi cho người dân khi tham gia BHYT theo hộ gia đình. BHYT hộ gia đình thực hiện theo nguyên tắc 100% thành viên hộ gia đình phải tham gia. Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; Người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất; Người thứ 3 đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất; Người thứ 4 đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất; Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Người thứ nhất trong tham gia BHYT hộ gia đình là để xác định người đó phải đóng 100% phí mua thẻ BHYT, tức là xác định người phải đóng 4,5% mức lương cơ sở. Trong quá trình thực hiện, chỉ xác định người thứ nhất nếu trong hộ gia đình đó xuất hiện người thứ hai. Từ người thứ hai sẽ giảm dần mức đóng theo số người tham gia.
PV: Có ý kiến của người dân phản ánh: Trên địa bàn có 2 cơ sở khám chữa bệnh, đó là trạm y tế và phòng khám đa khoa.Khi người dân đi khám tại Trạm y tế thì không được cấp thuốc BHYT. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn: Trên địa bàn vừa có trạm y tế xã, vừa có Phòng khám đa khoa khu vực thì người dân được chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Khi chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở trạm y tế xã người dân vẫn được cấp thuốc. Nếu y, bác sỹ khám bệnh nhận thấy bệnh chưa đến mức phải cấp thuốc thì sẽ không cấp. Theo quy định của Bộ Y tế thì bệnh viện huyện phải có trách nhiệm cung cấp thuốc cho trạm y tế trên địa bàn xã đó. Trong trường hợp, Trạm y tế xã đó không có khả năng cung cấp thuốc thì người dân có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở bệnh viện đa khoa khu vực. Hiện nay đang có hình thức khám quân dân y kết hợp ở vùng Tây Bắc, là hình thức hết sức có lợi cho người dân. BHXH sẽ cấp kinh phí BHYT cho các trạm y tế quân dân y kết hợp để phục vụ người dân. Chúng ta đang xây dựng hình thức đưa dịch vụ KCB ban đầu về với thôn bản nên sẽ tăng cường cho y tế thôn bản, gắn với đặc thù của vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng Tây Bắc của Tổ quốc.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết trường hợp một người có hai thẻ BHYT: vừa là đối tượng có công, vừa thân nhân quân nhân thì giải quyết thế nào?
Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn: Nhiều năm trước chúng ta có tình trạng một người có nhiều thẻ BHYT. Luật BHYT có quy định khi một người tham gia nhóm đối tượng này thì thôi nhóm đối tượng khác. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, do quá trình lập danh sách tham gia BHYT của các nhóm đối tượng này còn bất cập dẫn đến trùng thẻ BHYT. Để tháo gỡ điều đó, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã xác định rõ trách nhiệm của UBND xã trong việc thực hiện chính sách BHYT, trong việc kê khai, lập danh sách người tham gia BHYT. BHXH Việt Nam trong sửa đổi quy trình cấp sổ thẻ đã quy định rất rõ là cơ quan BHXH có trách nhiệm rà soát dữ liệu cấp thẻ để hạn chế việc trùng thẻ.
Hiện nay, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đang quyết liệt triển khai các giải pháp về ứng dụng CNTT để thực hiện đồng nhất giữa hai Ngành, trong đó việc xác định phần mềm để quản lý dữ liệu cấp thẻ, để kiểm soát việc khám chữa bệnh để hạn chế việc trùng thẻ và lạm dụng trong khám chữa bệnh BHYT. Năm 2016, bắt đầu thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, nên chúng ta cần công cụ để kiểm soát một cách hiệu quả việc cấp trùng thẻ và lạm dụng trong khám chữa bệnh BHYT.
Trường hợp người bệnh có hai thẻ BHYT có thể dẫn đến thiệt thòi cho người bệnh do không xác định được nơi khám chữa bệnh ban đầu, hoặc không được hưởng quyền lợi ở thẻ có mức hưởng cao hơn.
PV: Một trong số yếu tố để cho người dân đi khám chữa bệnh BHYT là giá dịch vụ y tế hợp lý. BHXH là cơ quan phối hợp với Bộ Y tế trong khám chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ BHYT. Hiện nay, Bộ Y tế là nơi cung cấp dịch vụ. Với tư cách là cơ quan quản lý Quỹ BHYT, xin ông cho biết trách nhiệm của cơ quan BHXH như thế nào trong xây dựng giá dịch vụ y tế?
Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Phạm Lương Sơn: Luật quy định, giao cho Liên bộ Tài chính – Y tế chủ trì cùng với các Bộ, ngành liên quan trong thực hiện chính sách BHYT. Trong thời gian vừa qua, cơ quan BHXH tham gia vào hầu hết quá trình xây dựng chính sách và hướng dẫn thực hiện chính sách.
Trong xây dựng giá dịch vụ y tế, bên cung cấp dịch vụ y tế thường đưa ra mức giá cao hơn. BHXH Việt Nam trong lĩnh vực này hướng tới mục tiêu tính đúng tính đủ để tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT. Giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ sẽ giảm số tiền túi phải chi ra của người bệnh. Ở Việt Nam hiện nay, theo tính toán của các cơ quan chức năng thì các chi phí người bệnh bỏ ra vẫn chiếm hơn 40%. Xây dựng giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ là cả một quá trình, đòi hỏi kiến thức về y tế, về tài chính thì mới đưa ra được giá đúng. BHXH Việt Nam có cả một đội ngũ chuyên gia tham gia vào quá trình xây dựng giá dịch vụ y tế. Cơ quan BHXH với trách nhiệm của mình ngày càng tham gia một cách kỹ càng, sâu hơn vào quá trình xây dựng giá dịch vụ y tế nói riêng và thực hiện chính sách BHYT nói chung.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT