Xu hướng gia tăng lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài

16/06/2015 08:17 AM


Tổ chức Lao động Quốc tế ( ILO) công bố bản báo cáo: Xu hướng gia tăng lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài.

Theo báo cáo, trong những năm tới, có thể số lượng lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình sẽ ngày càng tăng. Cùng với đó sẽ là những thách thức, khó khăn đòi hỏi ngành chức năng cần phải có những giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho lao động giúp việc. Điều quan trọng cần ghi nhớ là, trong bối cảnh có nhiều cơ hội mới đối với lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình ở nước ngoài, các quốc gia láng giềng, trong đó có Philippines, Indonesia, Myanmar và Cambodia đã từng nhiều lần quyết định dừng đưa lao động giúp việc gia đình sang làm việc tại một số quốc gia tiếp nhận do có những bằng chứng về việc họ bị ngược đãi.

Xuất phát từ thực trạng trên, ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc, Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng, việc đảm bảo quyền lợi tối thiểu và hoạt động tuyển dụng minh bạch, có trách nhiệm cần được ưu tiên trong chính sách liên quan đến việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong lĩnh vực giúp việc gia đình. Các yếu tố này có vai trò rất quan trọng vì lao động giúp việc gia đình đặc biệt dễ bị lạm dụng hơn so với lao động làm việc trong các lĩnh vực ngành nghề khác. Hơn nữa, lao động giúp việc gia đình, cụ thể là lao động giúp việc gia đình làm việc ở nước ngoài, thường không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật lao động của quốc gia hoặc ít được bảo vệ hơn so với các loại hình lao động khác tại các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận như Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Ả rập xê út.

Đơn cử như hiện có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang làm việc trong lĩnh vực giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út. Tuy nhiên sự bảo vệ về pháp lý đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực này là rất hạn chế. Ví dụ như theo luật pháp của Ả rập Xê út, người lao động được nghỉ tối thiểu 9 tiếng mỗi ngày nhưng thường thì bất cứ lúc nào chủ sử dụng yêu cầu, người lao động đều phải làm việc. Trong thời gian tới Việt Nam sẽ đàm phán về hợp đồng mẫu với Ả rập Xê út để chi tiết hóa những điều kiện cơ bản về việc làm đối với lao động giúp việc gia đình và điều quan trọng là hợp đồng mẫu này sẽ quy định những quyền lợi tối thiểu để bảo đảm người lao động làm việc trong lĩnh vực này được bảo vệ một cách đầy đủ.

Theo Đại đoàn kết