Đề xuất hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2

10/06/2015 09:55 AM


Bộ Xây dựng vừa ký văn bản trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011- 2015.

Tổng hợp báo cáo rà soát số hộ nghèo có khó khăn về nhà ở của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, hiện có 311.215 hộ nghèo thuộc diện đối tượng cần được hỗ trợ về nhà ở. Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011- 2015 (gọi tắt là Chương trình 167 giai đoạn 2) được áp dụng đối với các hộ đang cư trú tại khu vực nông thôn hoặc đang cư trú tại các thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum, sóc (gọi chung là thôn) trực thuộc phường, thị trấn hoặc xã trực thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh nhưng sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp.

Hộ gia đình thuộc đối tượng nêu trên, được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở; lãi suất vay 2%/năm; thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm; thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân 100% vốn vay theo quy định đối với những hộ gia đình thực hiện xây dựng mới nhà ở sau khi hoàn thành phần móng và đối với những hộ gia đình thực hiện sửa chữa, cải tạo nhà ở đã có sau khi hoàn thành 30% khối lượng công việc. Ngoài mức vay, hộ gia đình tham gia đóng góp và huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở đảm bảo quy mô và chất lượng theo quy định.

Sau khi được hỗ trợ, các hộ gia đình phải xây dựng được nhà ở mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở đang có, đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 24 m2 (đối với những hộ độc thân không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18 m2) và “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng); tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên. Nhà ở phải đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, tố, lốc. Khi Chương trình 167 giai đoạn 2 được thông qua, UBND các tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đảm bảo chính sách đến được từng hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực; đảm bảo các hộ nghèo có nhà ở sau khi được hỗ trợ; có biện pháp phòng ngừa việc chuyển nhượng nhà ở trái quy định.

Bổ sung vốn hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt gia hạn và bổ sung vốn cho Dự án "Hỗ trợ chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo tại tỉnh Cao Bằng, tỉnh Bắc Kạn" sử dụng vốn ODA của Chính phủ Luxembourg. Cụ thể, gia hạn thời gian thực hiện dự án trên đến hết ngày 31/12/2015. Kinh phí bổ sung 1.500.000 Euro vốn ODA không hoàn lại để hỗ trợ bổ sung đối với kết quả của 2 dự án đào tạo cán bộ y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh; hỗ trợ bổ sung kết quả của 3 dự án: nâng cấp cơ sở hạ tầng trạm y tế xã; trang thiết bị cho các trạm y tế xã, đào tạo cho cán bộ trạm y tế và nhân viên y tế thôn, bản; tổ chức và quản lý dự án. Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn ra quyết định sửa đổi văn kiện và chủ trì triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành.Sau hơn 6 năm (từ 1/6/2009) triển khai Dự án "Hỗ trợ chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo tại Cao Bằng và Bắc Kạn", tình trạng sức khỏe người nghèo được cải thiện, khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được tăng cường. Kết thúc giai đoạn một, công tác xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản đã hoàn thành. Tỷ lệ người nghèo, dân tộc thiểu số tại các khu vực can thiệp hiểu biết về các quyền lợi và lợi ích khi dùng thẻ bảo hiểm y tế tăng từ 20% đến gần 36%. Có 482 cán bộ trạm y tế và 230 nhân viên y tế thôn bản được tập huấn, nâng tổng số cán bộ được tập huấn lên 1.330 cán bộ trạm y tế và 550 y tế thôn, bản; có 55 trạm y tế Cao Bằng và 47 trạm y tế Bắc Kạn được nhận trang thiết bị (máy siêu âm, nồi hấp, lò đốt điện, máy luộc dụng cụ, bộ châm cứu…); 294 cán bộ trạm y tế được hướng dẫn sử dụng, bảo quản trang thiết bị y tế; xây mới 12 trạm y tế tại Cao Bằng và Bắc Kạn...

Theo Chinhphu.vn, ĐCSVN