Phát huy vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT
14/05/2015 07:06 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Một số vấn đề thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội đối với chính sách BHXH, BHYT… đã được PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thông tin tại khóa Tập huấn trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách BHXH, BHYT thuộc các cơ quan thông tấn báo chí khu vực phía Bắc do BHXH Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức tại Ninh Bình vừa qua.
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, trong xã hội hiện đại, báo chí đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong công tác tuyên truyền. Với tính chất rộng rãi và phổ thông của các loại hình truyền thông cùng với tính tương tác ngày càng cao, khả năng áp dụng khoa học công nghệ ngày càng lớn, báo chí đã và đang trở thành công cụ tuyên truyền hiệu quả.
Hàng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức báo cáo chuyên đề về BHXH, BHYT đối với cán bộ là công tác tuyên giáo tại các cơ quan Trung ương, các Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước; định hướng công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT đối với các cơ quan báo chí, đặc biệt là việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị.
Các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức như: truyên truyền trên báo, trang thông tin điện tử của đơn vị mình, tổ chức tập huấn, tuyên truyền lồng ghép trong các hội nghị, tổ chức hội thảo; tổ chức các hội thi tuyên truyền viên BHXH, hội thi tìm hiểu về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tổ chức đối thoại, tư vấn, giải đáp chính sách trực tiếp tại cơ sở, đã thu hút sự tham gia của nhiều nhóm đối tượng như: người sử dụng lao động, người lao động trong các khu chế xuất, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xã viên hợp tác xã, làng nghề; cán bộ, hội viên Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Trung ương Đoàn, công nhân, lao động trẻ trong các doanh nghiệp, phụ nữ, học sinh sinh viên và nhân dân trên phạm vi cả nước.
Các cơ quan truyền thông báo chí, đặc biệt là các cơ quan truyền thông quốc gia đã ký kết các chương trình phối hợp với BHXH Việt Nam để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Hầu như hàng ngày trên sóng của Đài Phát thanh, Đài truyền hình ở Trung ương và địa phương, trên các mặt báo đều có tin, bài, phóng sự, tọa đàm, chuyên mục, đối thoại trực tiếp, tư vấn trực tiếp, tin, trả lời thư bạn nghe đài và bạn xem truyền hình được phát trên sóng của Đài Phát thanh, Đài Truyền hình ở Trung ương; hàng nghìn tin, bài về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được đăng tải trên các đầu báo. Riêng năm 2013, thống kê trên 17 đầu báo đã đăng tải trên 2.000 tin bài về chính sách BHXH, BHYT.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã, phường được chú trọng. Bên cạnh việc chủ động biên tập nội dung của các đài, BHXH Việt Nam còn sản xuất các đĩa CD với nội dung phù hợp để cấp cho các Đài truyền thanh xã, phường tổ chức phát thanh theo định kỳ.
Báo BHXH, Tạp chí BHXH, Trang thông tin Điện tử BHXH Việt Nam là các cơ quan ngôn luận của BHXH Việt Nam, trong những năm qua đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, đây cũng là lực lượng tích cực trên mặt trận tuyên truyền, phổ biến, giải đáp chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Các hoạt động tuyên truyền trực quan thông qua các pano, áp phích, tranh cổ động, phát hành các loại tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền, không chỉ đa dạng về nội dung và hình thức mà còn đáp ứng được sự quan tâm của các đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp như: Sách hỏi đáp, sổ tay, tranh cổ động, đĩa CD truyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã phường, lịch, tài liệu tuyên truyền về Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, các loại tờ gấp có nội dung truyên truyền về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp… Hàng năm có hàng triệu ấn phẩm tuyên truyền được phát hành tới các nhóm đối tượng.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng chỉ ra một số hạn chế của công tác tuyên truyền định hướng dư luận xã hội đối với chính sách BHXH, BHYT như chưa thực sự chủ động, còn mang tính hành chính và cũng chưa được quan tâm đúng mức nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, nhận thức về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT và ý thức tuân thủ của người sử dụng lao động, người lao động và người dân nói chung chưa cao và chưa đồng đều. Nhiều người dân và ngay cả một số cán bộ cũng vẫn còn nhầm lẫn giữa loại hình BHXH, BHYT (mang tính sự nghiệp công ích, phi lợi nhuận với các loại hình bảo hiểm thương mại, mang tính chất kinh doanh khác. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, người sử dụng lao động trốn đóng, cố tình nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đôi khi còn nặng về nội dung mà xem nhẹ hình thức thể hiện, vẫn tập trung chủ yếu ở các chương trình chính luận, phổ biến kiến thức, trong khi các hình thức chuyển tải hấp dẫn khác chưa thực sự được đẩy mạnh.
Công tác tuyên truyền đã có những đổi mới nhưng chưa thực sự sâu theo các nhóm đối tượng và hướng tới cơ sở. Việc tuyên truyền trực tiếp đến người lao động và người dân ở các xã, phường, thị trấn còn rất hạn chế; việc tuyên truyền đến người sử dụng lao động, các cấp ủy Đảng, chính quyền để nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp chưa có nhiều hình thức hấp dẫn và phù hợp.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, từ thực trạng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thời gian qua cho thấy, BHXH Việt Nam, các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông đã quan tâm, thường xuyên tổ chức thực hiện và đạt được kết quả quan trọng; từng bước làm chuyển biến nhận thức và trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người lao động, người sử dụng lao động và nhân dân trên cả nước; tuy nhiên vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập cần phải có các giải pháp khắc phục.
Về định hướng công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT trong những năm tới, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ đề nghị BHXH Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội trong đó nhấn mạnh BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuyên truyền những kết quả của chính sách BHXH, BHYT đã đạt được trong thời gian vừa qua để động viên các tầng lớp nhân dân tích cực và chủ động tham gia; chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong quá trình triển khai những chính sách này; Đồng thời giải thích cho nhân dân hiểu sâu sắc hơn những quan điểm và mục tiêu nêu trong nghị quyết; việc mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, cần biểu dương các cấp ủy, chính quyền, cơ quan đoàn thể, cơ quan bảo hiểm xã hội có tinh thần trách nhiệm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT. Thu thập những sáng kiến, các giải pháp hữu hiệu của toàn xã hội, của các địa phương, doanh nghiệp, nhân dân góp phần đẩy mạnh công tác BHXH, BHYT.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nêu ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội đối với chính sách BHXH, BHYT ở cả Trung ương và địa phương.
Cụ thể, ở Trung ương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Đồng thời nâng cao hiệu quả các chương trình phối hợp tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các cơ quan thông tấn báo chí.
Ở các địa phương, BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu với UBND tỉnh đưa mục tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHYT toàn dân và chỉ tiêu phát triển đối tượng vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT; BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT...
Trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Đảng và Nhà nước luôn có đường lối, chủ trương, nghị quyết và sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đều có nhu cầu nắm bắt thông tin về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Công tác tuyên truyền có nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu thông tin của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó chủ yếu là người sử dụng lao động, người lao động và chuẩn bị tham gia lao động; qua đó chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước – Phó trưởng Ban Tuyên giáo nhấn mạnh./.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT