Sửa đổi Luật BHXH năm 2006 đảm bảo an sinh bền vững và lâu dài cho người dân

12/05/2015 08:20 AM


Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng Chương trình Giao lưu “Luật BHXH với mục tiêu an sinh xã hội” do BHXH Việt Nam phối hợp thực hiện với khách mời gồm đại diện của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, BHXH Việt Nam, VCCI, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,….

Toa Dam 160415.JPG

Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến nay, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cùng với sự phát triển kinh tế là sự lớn mạnh không ngừng của hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) đã phát huy vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần tích cực vào việc ổn định xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Với bản chất là sự bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động (NLĐ) khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, BHXH là một trong những chính sách quan trọng, thể hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước với mục tiêu vì con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Sau hơn 8 năm thực hiện Luật BHXH, nhiều quy định đã phát sinh những bất cập, hạn chế, cần sớm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, sau một thời gian dài nghiên cứu, xây dựng dự thảo và lấy ý kiến nhân dân, để khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật BHXH hiện hành, đồng thời thể chế hóa được các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách BHXH thì việc sửa đổi Luật BHXH là cần thiết, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết: Chính sách BHXH được Đảng và Chính phủ quan tâm từ rất sớm vì đây là chính sách quan trọng đối với quản lý xã hội. Ngay sau khi thành lập Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 3 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 54 đánh dấu bước đầu tiên của chính sách BHXH.

Sau 62 năm, đến năm 2006 chính thức có bộ Luật BHXH và thực hiện từ năm 2007 đến nay. Trải qua 07 năm đạt được rất nhiều thành tựu. Đến nay toàn bộ số lao động tham gia BHXH nước ta đạt khoảng 11,5 triệu người, chiếm khoảng trên 20% lực lượng lao động xã hội. Đặc biệt đã thực hiện chi trả các chế độ BHXH dài hạn cho trên 2,5 triệu các cụ hưu trí. Đây là một thành tựu to lớn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, quá trình thực hiện Luật đã nảy sinh ra một số bất cập, tồn tại trong chính sách và quá trình tổ chức thực hiện.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thì tất cả hệ thống pháp luật hướng tới mục tiêu con người. Nếu như có những biến động trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu về con người thì cần phải sửa đổi. Trong thời gian tổng kết quá trình tổ chức triển khai Luật BHXH năm 2006 đã rút ra 13 nội dung chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân. Cụ thể như việc không mở rộng được đối tượng. Hiện nay, nước ta có khoảng 53,3 triệu lao động đang tham gia trong các ngành kinh tế quốc dân mà chỉ có khoảng 11,6 triệu tham gia BHXH. Để giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho đất nước trong bối cảnh như vậy là rất khó khăn.

Điều 34 của Hiến pháp năm 2012 quy định công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội – đây là điều rất quan trọng. Điều 59 quy định Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội. Việc sửa Luật BHXH năm 2006 là theo quan điểm, mục tiêu, lý tưởng của Đảng, theo quy định của Hiến pháp và do thực tiễn cuộc sống yêu cầu-  Ông Lợi nhấn mạnh.

Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh cũng cho biết: Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu đến năm 2020 phải đạt 50% lao động tham gia BHXH. Tức là với lực lượng lao động như hiện nay, phải đạt 29 triệu người tham gia BHXH. Trong khi đó chúng ta mới có 11,5 triệu người  - Đây là mục tiêu khó khăn nhưng lại rất cao cả. Còn chính sách BHXH tự nguyện, suốt từ năm 2007 đến nay mới có hơn 200 nghìn lao động tham gia, trong khi lực lượng lao động có thể tham gia là khoảng 30 triệu người. BHXH Việt Nam đã nghiên cứu kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới là nhà nước phải có chính sách hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện.

Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện Luật BHXH, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh cho biết: Trong Luật BHXH năm 2006, các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và đặc biệt là chế độ tử tuất cần phải sửa đổi để đảm bảo phù hợp với lộ trình cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo an sinh quốc gia - mục tiêu quan trọng mà bất kỳ Nhà nước nào cũng phải đảm bảo. Nền an sinh càng tốt thì mạng lưới càng phải rộng. Nhà nước ta đang hướng tới mục tiêu là phải đảm bảo cho mọi NLĐ trong độ tuổi lao động tham gia BHXH và thực hiện BHYT toàn dân.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/01/2008 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X xác định: “Xây dựng hệ thống BHXH đa dạng và linh hoạt phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mở rộng các hình thức bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện; bổ sung, sửa đổi các chế độ BHXH còn bất hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH; tách BHXH đối với khu vực hành chính nhà nước ra khỏi khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các lĩnh vực khác. Ðiều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH theo cơ chế tạo nguồn, độc lập tương đối với chính sách tiền lương, giảm dần phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; từng bước cải thiện đời sống của người về hưu theo trình độ phát triển của nền kinh tế”.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh còn cho biết, chế tài và việc xử phạt các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH chưa nghiêm khắc nên tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH còn xảy ra khá phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ, làm cho NLĐ có nguy cơ không được thụ hưởng các chế độ an sinh xã hội, đặc biệt là chế độ bảo hiểm hưu trí do việc doanh nghiệp trốn đóng BHXH gây ra.

Chính sách BHXH hiện nay thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân – là những đối tượng thụ hưởng chính sách. Là khán giả tham gia giao lưu, em Nguyễn Thùy Linh- sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, em Đoàn Minh Hùng- sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội đều cho biết, các em mong muốn được hiểu vì sao phải sửa đổi Luật BHXH năm 2006, những điều cơ bản, những điểm mới trong Luật BHXH sửa đổi năm 2014 để đến khi tham gia BHXH em có những kiến thức phục vụ cho cuộc sống của bản thân và gia đình. Còn chị Nguyễn Thùy Trang, công nhân công ty cổ phần Traphaco cảm thấy BHXH là một điều rất thiết thực và chia sẻ: “Khi tham gia BHXH tức là mình đang tích lũy, phòng trừ cho những trường hợp rủi ro trong cuộc sống”.

Với những yêu cầu từ thực tiễn, Luật BHXH năm 2006 cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người dân và cho đất nước.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn