Hoàn thiện dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động
08/04/2015 09:02 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 07/4/2015, tại Hà Nội, Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo tham vấn khu vực phía Bắc về Dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Tham dự Hội thảo có ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban; ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; cùng đại diện các Bộ, ngành; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; đại diện các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các chuyên gia quốc tế, các Hiệp hội doanh nghiệp và đơn vị liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Bùi Sĩ Lợi cho biết, sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Uỷ ban phối hợp với Bộ LĐ-TBXH (cơ quan soạn thảo Luật) và các cơ quan liên quan tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật theo 4 nội dung chính như mở rộng đối tượng áp dụng và chính sách đối với khu vực không có quan hệ lao động; chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hình thức tự nguyện và bắt buộc; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSLĐ. Hiện nay, dự thảo Luật đang được tiếp thu, chỉnh lý theo 4 nội dung lớn như: Việc mở rộng đối tượng áp dụng và chính sách đối với khu vực không có quan hệ lao động; Về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hình thức tự nguyện và bắt buộc; Về việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động; Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một chế độ của bảo hiểm xã hội. Trong dự thảo Luật này, chính sách này đã được sửa đổi, bổ sung, trong đó có việc quy định thêm 02 chính sách mới, đó là: chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc (Điều 56) và chính sách hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ-BNN (Điều 57) trong dự thảo Luật. Đây là một trong các chính sách tạo điều kiện cho người lao động hòa nhập trở lại thị trường lao động sau khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận có một số ý kiến đại biểu đề nghị cần quan tâm việc bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi thực hiện 2 chính sách mới này. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao tính khả thi của chính sách bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện để người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động được tham gia, thụ hưởng chính sách này khi bị tai nạn lao động. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chưa có nhiều quốc gia triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm này theo hình thức tự nguyện. Trên cơ sở ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã tiếp thu và quy định nguyên tắc, giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Đối với việc xây dựng, ban hành, công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về AT,VSLĐ, phải tuân thủ theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và các Bộ, ngành sẽ ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về AT,VSLĐ thuộc phạm vi quản lý được giao. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với vai trò thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực AT,VSLĐ sẽ tham gia ý kiến về nội dung ATLĐ trong quá trình các bộ, ngành ban hành (Điều 88). Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về AT,VSLĐ (Điều 28) trên cơ sở ý kiến đề xuất của các Bộ, ngành nhằm đảm bảo sự phù hợp với Danh mục hàng hóa nhóm 2 của Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa. Dự thảo Luật quy định thanh tra an toàn, vệ sinh lao động là thanh tra chuyên ngành, chỉ có ở cấp trung ương, cấp tỉnh như quy định tại Điều 90. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo có đề nghị cân nhắc thêm việc tổ chức thanh tra chuyên ngành về AT,VSLĐ ở cấp huyện để tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác về AT,VSLĐ khi mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động.
Cũng theo ông Bùi Sĩ Lợi, ATVSLĐ là một lĩnh vực rộng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý nhà nước của nhiều Bộ, ngành. Theo đó, Bộ LĐ-TBXH là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này; các Bộ có liên quan như Y tế, Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải... tham gia phối hợp trong một số nhiệm vụ cụ thể. Trong quá trình xây dựng, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, các cơ quan cũng tiến hành rà soát các quy định trong dự thảo Luật với Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Xây dựng... để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật về một số vấn đề như: danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động; chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; điều tra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng…
Nhìn chung, dự thảo Luật đã hình thành khung chính sách, cơ chế kiểm soát rủi ro về ATVSLĐ ở các cấp như nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức. Sau khi lấy ý kiến của các đại biểu, Dự án Luật ATVSLĐ sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2015.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT