Nỗ lực “xóa đói, giảm nghèo về pháp luật” cho đối tượng yếu thế trong xã hội
30/03/2015 08:14 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trợ giúp pháp lý được Việt Nam xem là một biện pháp “xóa đói, giảm nghèo về pháp luật” cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Bà Lê Thị Thu Ba, Phó Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho biết, trợ giúp pháp lý (TGPL) là một chính sách lớn trong tổng thể các chính sách xã hội của Nhà nước, mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Đây là phương tiện cần thiết để người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý. TGPL được Việt Nam xem là một biện pháp “xóa đói, giảm nghèo về pháp luật” cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc trong việc đổi mới chính sách TGPL. Từ khi hệ thống tổ chức TGPL của Nhà nước được thành lập năm 1997 đến nay, thực tế đã khẳng định TGPL là một chính sách hợp lòng dân, nên nhanh chóng đi vào cuộc sống. Hiện, thể chế, chính sách về TGPL được xây dựng và hoàn thiện. Luật TGPL được ban hành năm 2006, văn bản hướng dẫn thi hành Luật, nhất là Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011) đã tạo cơ sở pháp lý cần thiết, thúc đẩy hoạt động TGPL. Thực tế cho thấy số lượng vụ việc TGPL ngày càng tăng; số trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và đương sự từng bước được tăng lên.
Bên cạnh kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động TGPL trước yêu cầu phát triển của xã hội đang bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục, kiện toàn như: Nhận thức về vai trò, ý nghĩa của TGPL chưa sâu rộng, đối tượng TGPL chưa hiểu biết nhiều về hoạt động này. Hoạt động TGPL chưa đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm, còn dàn trải quá nhiều hình thức TGPL. Mạng lưới tổ chức TGPL còn yếu; sự tham gia của luật sư trong hoạt động TGPL còn hạn chế; kỹ năng tranh tụng của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp, kinh nghiệm và thực tiễn hoạt động còn ít. Do vậy, đối tượng được TGPL hẹp; người thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo không được trợ giúp, trong khi đó những đối tượng này thu nhập rất thấp, không đủ năng lực tài chính để thuê luật sư…Bà Lê Thị Thu Ba cho rằng, tất cả những hạn chế nêu trên cần khắc phục sớm nhằm đảm bảo ở mức cao nhất quyền tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý của các đối tượng thuộc diện được TGPL. Các chuyên gia quốc tế đã chuyển tải kinh nghiệm của các nước, trao đổi thông tin về TGPL, trọng tâm là TGPL trong tố tụng hình sự, qua đó góp phần đổi mới, hoàn thiện công tác TGPL thời gian tới tại Việt Nam, từ mô hình tổ chức đến phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu mới. Đặc biệt là trên cơ cở Báo cáo về TGPL ở châu Âu: “9 con đường bảo đảm tiếp cận công lý”, hội thảo đã tập trung phân tích, đánh giá kinh nghiệm của 9 nước châu Âu, đề xuất khả năng vận dụng trong điều kiện Việt Nam.
Theo ĐCSVN
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT