Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức trong phối hợp tuyên truyền
30/03/2015 03:16 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về BHXH, BHYT mà Đảng, Nhà nước đã đề ra trong những năm qua, công tác phối hợp tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cần phải tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, mở rộng phạm vi và đối tượng tuyên truyền.
Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội liên quan đến quyền lợi, sức khỏe, bảo đảm an toàn và chất lượng cuộc sống trọn đời của người tham gia, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIII (sau đây gọi là Luật BHYT sửa đổi, bổ sung), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015 và Luật BHXH (sửa đổi) được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIII có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Do vậy, hướng đến mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của nhân dân, người lao động.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2014, năm 2015 BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với 13 bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội gồm Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin truyền thông, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để triển khai các hoạt động tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về BHXH, BHYT mà Đảng, Nhà nước đã đề ra trong những năm qua, công tác phối hợp tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cần phải đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, mở rộng phạm vi và đối tượng tuyên truyền.
Về nội dung tuyên truyền, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020” và Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2013 và 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Của các cấp chính quyền, người sử dụng lao động trong việc thực hiện trách nhiệm của mình với người lao động khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Tuyên truyền làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong việc phối hợp tổ chức thực hiện Luật BHXH, BHYT.
Tuyên truyền những điểm mới của Luật BHXH (sửa đổi) và Luật BHYT (sửa đổi, bổ sung). Tập trung vào những điểm mới quan trọng có tính đột phá, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân. Phân tích ý nghĩa, tầm quan trọng, tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT để người dân hiểu về quyền và trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT; lợi ích của BHXH, BHYT đối với mỗi người dân và toàn xã hội; về mức đóng, mức hưởng, phương thức tham gia, thủ tục tham gia BHXH, BHYT; làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, đơn vị, trường học, doanh nghiệp... trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Tuyên truyền những kinh nghiệm, mô hình thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT. Đấu tranh với những hành vi vi phạm, lạm dụng chính sách BHXH, BHYT hiện nay. Kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong 20 năm qua (1995 – 2015), góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhằm động viên các tầng lớp nhân dân, người lao động tích cực và chủ động tham gia BHXH, BHYT.
Về hình thức tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu, hấp dẫn phù hợp với các nhóm đối tượng được tiếp cận đầy đủ với thông tin về chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT:
Thông qua các hội nghị, tọa đàm để tuyên truyền phổ biến chính sách BHXH, BHYT. Tổ chức tuyên truyền tại cơ sở trọng tâm là tổ chức tư vấn, đối thoại trực tiếp với các đối tượng tham gia. Tổ chức game show truyền hình, các tiểu phẩm sân khấu tuyên truyền về BHXH, BHYT. Tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội…
Về đối tượng và phạm vi tuyên truyền, lãnh đạo các cấp, các ngành, chủ sử dụng lao động và người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp nhất là các chủ doanh nghiệp tư nhân. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT do người lao động tự đóng tại các vùng nông thôn.
Công tác tuyên truyền cần chú trọng đối tượng là lao động trong khu vực phi chính thức, các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp, học sinh, sinh viên, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Mở rộng phạm vi tổ chức các hoạt động tuyên truyền tới tận thôn, xóm, bản, xã, phường, thị trấn. Các hoạt động tuyên truyền được triển khai rộng khắp trên cả nước, cả 3 miền Bắc - Trung - Nam.
Với những kinh nghiệm, kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền BHXH, BHYT trong những năm qua, chương trình phối hợp tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội năm 2015 sẽ giúp cho người lao động và nhân dân trên cả nước hiểu hơn về chính sách BHXH, BHYT từ đó tự nguyện tham gia.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT