Doanh nghiệp trốn đóng BHXH, công nhân mất trắng quyền lợi

25/03/2015 07:58 AM


Chuyện xảy ra từ năm 2013, tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu (TPXK) Bắc Giang và Công ty CP Ximăng Thái Bình, với hàng chục công nhân lao động vẫn đóng BHXH thường xuyên nhưng không được hưởng chế độ khi ốm đau, thai sản, KCB; khi chuyển cơ quan khác không chốt được sổ BHXH và về hưu không có lương hưu… do DN này trốn đóng BHXH.

NLD 230315.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang cho biết: “Đến cuối năm 2013, Công ty CP TPXK Bắc Giang còn nợ BHXH trên 3 tỉ đồng. Công ty chưa tuyên bố phá sản, BHXH tỉnh đã kiện Công ty ra tòa. Cơ quan thi hành án đã có thông báo phát mại tài sản của Công ty với giá trị khoảng trên 30 tỉ đồng, trong đó nợ ngân hàng cũng hơn 30 tỉ đồng, chưa kể các khoản nợ khác”. Với số tài sản còn lại của Công ty, sau khi trả nợ ngân hàng và các khoản khác theo quy định của pháp luật, gần như không còn phần nộp cho cơ quan BHXH để giải quyết chế độ của NLĐ. Đây chỉ là hai trong nhiều ví dụ về tình trạng hàng loạt DN trốn đóng BHXH diễn ra phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành với số tiền lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Điều đáng nói, tình trạng này ngày càng gia tăng, trầm trọng và trở thành “đại dịch”, nhưng “căn bệnh nan y” này chưa tìm ra thuốc chữa có hiệu quả, gây bức xúc dư luận, về lâu dài sẽ gây ra bất ổn lớn cho an sinh xã hội…

Để khắc phục tình trạng này, một số địa phương đã có biện pháp quyết liệt như quy định DN trốn đóng BHXH sẽ không được ngành thuế coi là chi phí hợp lý khấu trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Đây được coi là biện pháp hay nhưng chỉ có tác dụng đối với các DN sản xuất kinh doanh không bị lỗ, thuộc diện phải kê khai, nộp thuế TNDN. Đa số các DN trốn đóng BHXH là các DN bị thua lỗ nên nhiều địa phương tìm cách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để có tiền nộp khoản trốn đóng BHXH nhưng khó khả thi, vì cả nước có tới hàng nghìn DN đang trong tình trạng giống như Công ty CP TPXK Bắc Giang và Công ty CP Ximăng Thái Bình. Kiện DN là biện pháp cực chẳng đã phải làm nhưng cũng không mấy hiệu quả. Thực tế cho thấy, hầu hết các DN bị khởi kiện đều là những DN đang trong tình trạng cạn kiệt cả tài sản và tiền vốn, sau khi giải quyết các khoản nợ theo quy trình của pháp luật, rất ít DN có khả năng còn tiền để nộp khoản trốn đóng BHXH và hậu quả là quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ có nguy cơ bị mất trắng.

Theo: laodong.com.vn