Nâng cao sức cạnh tranh của làng nghề cho việc hình thành AEC
22/03/2015 07:34 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việt Nam cũng như các nước ASEAN đang chuẩn bị tích cực cho việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức công bố vào ngày cuối tháng 12/2015. Khi tham gia AEC, vấn đề đặt ra hết sức cấp bách là nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa làng nghề, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của các làng nghề.
Theo thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 2.790 làng nghề với hơn 11 triệu lao động thuộc 53 nhóm nghề với khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau, trong đó những sản phẩm có lịch sử phát triển lâu đời như Tơ lụa Vạn Phúc, Đồng Ngũ Xã, Gỗ Sơn Đồng, thêu Quất Động, mây tre đan Phú Vinh, gốm sứ Bát Tràng… Các sản phẩm của làng nghề truyền thống Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp vào GDP của cả nước, kim ngạch xuất khẩu từ các làng nghề cũng không ngừng tăng lên. Tuy nhiên với mục tiêu của Cộng đồng kinh tế ASEAN đặt ra đến cuối năm 2015, ASEAN sẽ trở thành một thị trường duy nhất và một cơ sở thống nhất trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn, lao động có tay nghề và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu thì những cơ hội và thách thức đối với các làng nghề Việt Nam khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN không hề nhỏ.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: Từ nhiều năm nay, hàng hoá của các nước trong khối ASEAN đã tràn vào thị trường Việt Nam với số lượng lớn và khi AEC có hiệu lực, thuế suất nhập khẩu vào Việt Nam bằng 0%, hàng hóa của các nước vào Việt Nam sẽ còn nhiều hơn. Nếu không giữ được thị trường nội địa, Việt Nam sẽ có nguy cơ tự biến mình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các nước. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực Việt Nam đang có nhiều nhược điểm, như năng suất lao động thấp, do thể lực còn yếu kém, tác phong công nghiệp chưa cao, ngoại ngữ còn hạn chế (năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở Châu Á – Thái Bình Dương). Sự chênh lệch về thu nhập lớn giữa các quốc gia ASEAN sẽ là nguyên nhân tạo nên sự di chuyển lao động giữa các quốc gia giàu, nghèo, và sẽ là thách thức đối với Việt Nam.
Mặt khác, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với các rào phi thuế quan mà các đối tác thương mại có thể dựng lên nhằm bảo hộ sản xuất trong nước họ. Đáng quan tâm là quản lý hành chính còn nhiều thủ tục rườm rà, gây ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bởi vậy, ông Tuấn cho rằng, vấn đề đặt ra hết sức cấp bách hiện nay là phải nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa làng nghề, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của các làng nghề cho đến năng lực cạnh tranh quốc gia. Để làm được điều đó, mỗi cơ sơ sản xuất, kinh doanh trong làng nghề cần phát huy tiềm năng, tranh thủ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên phát triển với hiệu quả ngày càng cao. Trong đó, điều rất cần thiết là mỗi doanh nghiệp, mỗi thương nhân đều phải hiểu sâu, hiểu rõ về AEC. Một khảo sát gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa đến một con số đáng báo động: 76% doanh nghiệp nội khi được hỏi đều nói không biết gì về AEC; có tới 94% doanh nghiệp không biết về nội dung đàm phán và trên 60% doanh nghiệp không hiểu về những cơ hội và thách thức khi tham gia AEC. “Vì vậy, các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề cần tìm hiểu kỹ về AEC, nắm vững nội dung hội nhập, cơ hội và thách thức, để sớm có phương án sản xuất, kinh doanh, chủ động và đạt hiệu quả khi tham gia” – Ông Vũ Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Để nâng cao sức cạnh tranh của làng nghề khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, ông Vũ Quốc Tuấn cho rằng, trước mắt các cơ sở làng nghề cần rà soát lại toàn bộ các sản phẩm hàng hóa của cơ sở, so sánh với các mặt hàng của các nước ASEAN. Đặc biệt cần chú ý đến những sản phẩm thủ công mỹ nghệ dùng nguyên liệu mây, tre, gỗ, vàng, bạc … đang có những nước ASEAN cùng sản xuất; lập phương án cải tiến, nâng cao chất lượng từng sản phẩm hàng hóa, nhất là những sản phẩm chủ lực của cơ sở, từ mẫu mã, kiểu dáng, đến giá thành, giá bán; tiến tới xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thiết kế kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới, độc đáo. Cần thu hút trí tuệ, óc sáng tạo của các nhà thiết kế, các nghệ nhân vào việc này, nhất là tạo ra những mẫu mã khác biệt so với những mặt hàng cùng loại trong nước và khu vực. Khuyến khích những sản phẩm độc bản của nghệ nhân (có chữ ký của nghệ nhân) được khách du lịch yêu thích. Đặc biệt, cần coi trọng nâng cao trình độ của người lao động, thực hiện các biện pháp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, tiếp thu công nghệ mới. Phát huy nghệ nhân trong việc cải tiến mẫu mã, truyền nghề cho lớp trẻ.
Khi hình thành AEC, hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tràn vào nước ta, vì vậy, trong các nơi bán hàng, cần trưng bày và giới thiệu, phân biệt rõ hàng của từng nước, tránh tình trạng hàng nội, hàng ngoại lẫn lộn, chất lượng và giá cả không rõ ràng. Khuyến khích các cơ sở có điều kiện trực tiếp liên hệ với người thân quen tại nước ngoài làm đầu mối (đại lý) giới thiệu sản phẩm, bán hàng hóa, tìm hiểu thị trường. Từng bước tiên tới giao dịch, bán hàng trực tiếp giữa cơ sở sản xuất với cơ sở tiêu thụ trong nước, giảm bớt trung gian với giá cả công khai, minh bạch, đề cơ sở sản xuất cũng như cơ sở tiêu thụ được hưởng phần lợi nhuận hợp lý, thỏa đáng. Thời gian ra nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN không còn nhiều, các làng nghề Việt Nam cần thực hiện liên kết với các cơ sở cùng ngành nghề, trong cùng làng nghề, phố nghề nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh... Hội nhập là bước đi chiến lược tất yếu, không thể trì hoãn, và vấn đề luôn phụ thuộc vào sự năng động, tỉnh táo cũng như tâm lý chuẩn bị sẵn sàng của các làng nghề.
Theo Tin tức
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT