Luật Việc làm: Quy định nhiều điểm mới về chính sách BH thất nghiệp

03/03/2015 04:00 AM


Ngày 16/11/2013, Luật Việc làm lần đầu tiên được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, NLĐ sẽ được hưởng nhiều quyền lợi khi Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, trong đó nhiều quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được áp dụng...

BHTN 051113.jpg

Người lao động đăng ký thất nghiệp (Ảnh minh họa)

Luật Việc làm gồm 7 chương, 62 điều, điều chỉnh các quan hệ về việc làm, bao gồm các quy định về 5 nội dung chính: chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm; và BHTN.

Không gây xáo trộn trong quản lý Quỹ BHTN

Các quy định về BHTN tại Chương V của Luật BHXH số 71/2006/QH11 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật Việc làm có hiệu lực thi hành.

Việc chuyển chính sách BHTN từ Luật BHXH sang Luật Việc làm sẽ không phát sinh thêm tổ chức, không gây xáo trộn về hoạt động quản lý Quỹ, cũng như việc tổ chức thực hiện chính sách này. Về quản lý Quỹ và tổ chức thực hiện BHTN do Chính phủ quy định theo hướng Quỹ được quản lý tập trung, thống nhất; việc triển khai thực hiện chính sách BHTN vẫn giữ như hiện nay, chỉ điều chỉnh một số nhiệm vụ của các đơn vị để việc thực hiện công việc được tốt hơn, nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ, cụ thể: cơ quan BHXH tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thu, chi trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ và quản lý Quỹ; cơ quan LĐ-TB&XH (trực tiếp là các Trung tâm dịch vụ việc làm) thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận đăng ký thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo phát triển kỹ năng nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ.

Mở rộng đối tượng tham gia BHTN, bổ sung quy định về điều kiện hưởng, mức hưởng và các chế độ BHTN,… là một số thay đổi đáng kể về chính sách BHTN quy định tại Luật Việc làm.

Cụ thể, ngoài NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ từ đủ 12 tháng trở lên thì NLĐ có HĐLĐ từ 3 đến dưới 12 tháng cũng thuộc đối tượng tham gia BHTN bắt buộc. DN chỉ cần ký kết HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên phải tham gia BHTN bắt buộc thay vì trước đây chỉ DN sử dụng từ 10 lao động trở lên mới phải tham gia (Chương 6, mục 1, điều 43). Trong trường hợp NLĐ giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì NLĐ và người sử dụng lao động của HĐLĐ giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHTN. NLĐ đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia BHTN.

Luật cũng quy định rõ, người sử dụng lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHTN là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; DN, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc HĐLĐ quy định tại khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm.

Trong Luật Việc làm, việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính được triển khai theo hướng bỏ quy định về đăng ký thất nghiệp và gộp thành việc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ khi có đủ các điều kiện: đóng đủ BHTN cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHTN liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh; không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ; có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Bảo đảm cân đối Quỹ BHTN

Luật Việc làm quy định thời gian hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ theo phương án được phê duyệt và không quá 06 tháng. Chính phủ quy định chi tiết mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, bảo đảm cân đối Quỹ BHTN.

Luật cũng thay đổi cách tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian hưởng được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Và giới hạn mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc.

Luật Việc làm quy định bỏ trợ cấp một lần và bảo lưu thời gian đã đóng BHTN, theo đó NLĐ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại các điểm b, c, h, l, m và n khoản 3 Điều 53 Luật này, được bảo lưu thời gian đóng BHTN làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật.

Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng BHTN trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng BHTN.

Luật cũng quy định: NLĐ đã đóng BHTN từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc được hỗ trợ học nghề; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những NLĐ đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm./.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn