Tín hiệu mới cho nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp

26/02/2015 09:17 AM


Nhà ở công nhân do Công ty Sam Sung Thái Nguyên đầu tư Nhiều nhà máy, khu công nghiệp được xây dựng ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng vẫn thiếu vắng nhà ở công nhân. Chính sách phát triển nhà ở công nhân đã được khởi thông, nhưng để thực thi được vẫn phụ thuộc vào sự quyết liệt của các địa phương và doanh nghiệp.

Chính sách thu hút đầu tư vào khu công nghiệp (KCN) đang tạo ra những con số ấn tượng kể cả về lượng và chất. Cả nước hiện có 295 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên 83.626 ha, trong đó tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê 55.691 ha (chiếm 66%). Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt 25.370 ha, tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 47%. Riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 65%. Hiện có trên 2,2 triệu công nhân lao động trực tiếp đang làm việc tại các KCN, trong đó, lao động nữ trên 1,5 triệu người, lao động nam gần 0,7 triệu người - bằng 31%; lao động Việt Nam gần 2,16 triệu người, lao động nước ngoài là 33,7 nghìn người - chiếm 1,5%.

Theo quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam, đến năm 2020 tổng số công nhân, lao động tại các KCN đạt khoảng 7,2 triệu. Số công nhân, lao động tại các KCN cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở. Thực tế, các KCN mới chỉ có khoảng 20% công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các KCN trên cả nước đều phải thuê nhà trọ của tư nhân với giá thuê từ 200 - 300 nghìn đồng/người/tháng. Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo. Trong khi mức thu nhập bình quân hằng tháng của công nhân lao động làm việc tại các KCN còn thấp, từ 3,0-4,0 triệu đồng/người/tháng.

Chỗ ở tạm bợ, không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, đời sống của công nhân và làm xáo trộn tình hình trật tự, an toàn xã hội tại nhiều KCN. Chính vì vậy, việc giải quyết đáp ứng chỗ ở ổn định cho công nhân lao động tại các KCN là rất cấp bách và cần thiết. Vì sao doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng nhiều nhà ở công nhân? Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà; đầu tư nhà ở công nhân thuê đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và dài hạn, trong khi lãi suất vay để đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn dài nên các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư...

Nhằm cải thiện nhà ở cho những đối tượng khó khăn về nhà ở, trong đó có giai cấp công nhân, ngày 20/11/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 188 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, chủ đầu tư các dự án (kể cả các hộ gia đình cá nhân) phát triển nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với công nhân, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở công nhân, được vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc được bù lãi suất theo quy định; được cung cấp miễn phí các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình; được hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào (hoặc trong hàng rào) dự án... Một điểm mới nữa là Nghị định 188 của Chính phủ cho phép công nhân, người lao động tại KCN được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thay vì chỉ được thuê như những các quy định trước.

Ngoài ra, Chính phủ đã bổ sung đối tượng được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua và bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kể cả bên trong và ngoài khu công nghiệp. Chính sách ưu đãi phát triển nhà ở công nhân đã có, điều quan trọng là chính quyền các địa phương có “chung sức, đồng lòng” tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào thị trường nhà ở công nhân vốn đang thiếu nguồn cung? Bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước, các doanh nghiệp sử dụng nhiều công nhân cần đi đầu trong việc xây nhà ở công nhân để giữ chân người lao động như giữ nguồn lực phát triển của chính mình.

Theo KH&DT