Tiền lương ở Mỹ: Nhất bên trọng, nhất bên khinh

26/01/2015 08:28 AM


Trong thông điệp liên bang vừa đọc trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Barack Obama tuyên bố, cuộc khủng hoảng tài chính đã kết thúc và cam kết đưa ra chính sách kinh tế có lợi cho tất cả người Mỹ, đặc biệt là các gia đình lao động vươn tới “nền kinh tế trung lưu”. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến việc trả lương bình đẳng cho nam giới và phụ nữ.

Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn cần các luật để tăng cường hơn là làm suy yếu các công đoàn và cung cấp cho người lao động Mỹ một tiếng nói. Nhưng, những việc như chăm sóc con, nghỉ ốm và trả lương bình đẳng, (…) những việc tạo nên sự khác biệt có ý nghĩa trong đời sống của hàng triệu gia đình, là điều tất cả chúng ta, cả Cộng hòa cũng như Dân chủ, đều cần làm”. Khác biệt trong thu nhập giữa nam giới và phụ nữ ở Mỹ, còn được gọi là “khoảng cách về giới trong thu nhập”, vốn là một vấn đề nhức nhối của nước Mỹ. Theo báo cáo về bất bình đẳng giới trong tiền lương năm 2014 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), nước Mỹ đứng thứ 65 trong số 142 nước được khảo sát. Phụ nữ chiếm xấp xỉ một nửa lực lượng lao động ở Mỹ. Họ bình đẳng với nam giới trong mọi công việc, đồng thời là “trụ cột” trong 40% gia đình ở Mỹ. Phụ nữ nhận bằng đại học và sau đại học nhiều hơn nam giới, tuy nhiên, tính chung họ vẫn tiếp tục có thu nhập ít hơn so với nam giới. Trong năm 2013, lao động nữ toàn thời gian chỉ kiếm được 78 cent so với mỗi dollar nam giới kiếm được, tạo nên khoảng chênh lệch về thu nhập giữa hai giới là 22%.

Viện Nghiên cứu chính sách phụ nữ (IWPR) cho rằng, với bước cải thiện tình hình chậm chạp như hiện nay, sẽ mất 44 năm nữa, phụ nữ Mỹ mới có thể đạt đến bình đẳng về tiền lương so với nam giới. Khoảng cách lương giữa hai giới ở Hoa Kỳ không được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2013, tỷ lệ lương tuần trung bình toàn thời gian của phụ nữ so với nam giới bằng 82,1% (tương ứng với chênh lệch giới trong lương tuần là 17,9%), tăng không đáng kể so với 80,9% của năm 2012 và thấp hơn so với 82,2% của năm 2011. Theo IWPR, chênh lệch tiền lương nam nữ còn bị ảnh hưởng bởi sự phân chia công việc theo giới (đối với một số ngành nghề) và các yếu tố khác. Trong số 112 ngành nghề có dữ liệu lương của hai giới, chỉ có ba ngành trong đó phụ nữ đạt thu nhập trung bình mỗi tuần cao hơn so với nam giới.

Theo Hiệp hội Phụ nữ đại học của Mỹ (AAUW), chênh lệch lương không như nhau ở các bang nước Mỹ, nơi tốt nhất là Washington D.C. có lương phụ nữ năm 2013 bằng 91% lương nam giới, và tệ nhất là ở bang Louisiana, với tỷ lệ 66%. Phụ nữ da màu nhận lương thấp hơn, trong đó phụ nữ gốc châu Á nhận lương bằng 90% nam giới, còn phụ nữ nói tiếng Tây Ban Nha chỉ nhận được đồng lương bằng 54% của nam giới. Về tuổi tác, phụ nữ thường kiếm được 90% lương so với nam giới khi họ 35 tuổi, sau tuổi này, lương phụ nữ chỉ còn bằng 75-80% so với các đồng nghiệp nam giới. Theo trang mạng CNNMoney, ở hầu hết các nước, dù làm cùng một công việc, nhưng phụ nữ và nam giới thường không nhận được cùng một khoản thu nhập. Hai quốc gia phát triển đạt được mức bình đẳng về lương tốt nhất là Na Uy và Singapore thì cũng chỉ đến mức người lao động nữ nhận lương bằng 80% của nam giới.

Theo PNTPHCM