Những quan điểm lớn của Hồ Chủ tịch về an sinh xã hội
27/01/2015 09:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong di sản lý luận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta có những tư tưởng cốt lõi về chính sách xã hội và an sinh xã hội (ASXH). Trong tiến trình đổi mới kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay, việc khai triển những giá trị trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng của Người về ASXH nói riêng là rất cần thiết và mang ý nghĩa thời sự sâu sắc.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ASXH xuất phát chính từ triết lý nhân sinh, triết lý hành động của Người. Đề cao dân, trọng dân là triết lý xuyên suốt toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng sôi nổi và phong phú của Người. Cả trong cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng XHCN, Người đều động viên toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân, coi công việc đổi mới, xây dựng là công việc của dân, sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân.
Với Hồ Chủ tịch, chính sách ASXH phải dựa trên sự phát triển kinh tế, văn hóa đồng thời tác động trở lại sự phát triển kinh tế, văn hóa. Hay nói cách khác, giữa chính sách ASXH và các chính sách khác có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Năm 1946, sau 4 ngày Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do độc lập cũng chẳng làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải làm ngay, làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành” (1).
Để phát triển, từ kinh tế đến văn hóa, từ xây dựng chính thể (Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể) đến bảo vệ chế độ, thực hành công việc nội trị, ngoại giao, Người đều nhất quán một chủ trương và thường trực một nỗi lo toan “dựa vào dân, đem tài dân, sức dân để làm lợi cho dân, để mưu cầu hạnh phúc cho dân”, phải chăm lo sức dân, phát triển sức dân, bồi dưỡng sức dân, đồng thời phải biết tiết kiệm sức dân. Chữ Dân tỏa sáng trong Di chúc, đọng lại rất sâu trong Di chúc, ở từng trang, từng ý, từng lời. Triết lý nhân sinh, triết lý hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện cốt lõi trong chính sách vì dân, luôn lấy dân làm điểm tựa, điểm xuất phát. Bản chất dân chủ của chính sách ASXH nói riêng và chính sách nói chung thể hiện bản chất dân chủ của chế độ chính trị mà Người chủ trương xây dựng và vận hành ở nước ta.
Theo quan điểm Hồ Chí Minh, chính sách ASXH là chăm lo cho các tầng lớp nhân dân từ nông dân, công nhân, thương nhân, công chức, binh lính đến thanh niên, trẻ em, phụ nữ và những người yếu thế trong xã hội như người tàn tật, ốm đau, người già, trẻ nhỏ. Sau lễ Tuyên bố độc lập, Người đề xuất “Sáu việc lớn cần làm ngay” như một chương trình hành động của Chính phủ lâm thời. Đó là: Chống giặc đói; Chống giặc dốt; Soạn thảo Hiến pháp dân chủ, chuẩn bị Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội; Giáo dục lại nhân dân chúng ta, làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính; thuế thân, thuế chợ, thuế đò là một lối bóc lột vô nhân đạo, phải bỏ ngay ba thứ thuế ấy và tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; Người đề nghị Chính phủ ta tuyên bố Tín Ngưỡng Tự Do và Lương Giáo đoàn kết(2).
Xây dựng kinh tế vững chắc, toàn diện (cả nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp...), lo cho quốc kế dân sinh, đáp ứng nhu cầu lợi ích hàng ngày của người dân (cái ăn, cái mặc, nhà ở, trường học, bệnh xá, giao thông liên lạc...) đồng thời phải phát triển văn hóa (chăm lo cho giáo dục, phát triển khoa học kỹ thuật, đào tạo cán bộ, phát hiện và trọng dụng nhân tài, hiền tài), xây dựng con người, đạo đức, lối sống, quan tâm tới đời sống tinh thần của nhân dân. Ngoài ra, phải đảm bảo sự vững mạnh của thể chế, phát huy dân chủ, tăng cường pháp luật, kỷ luật, kỷ cương xã hội, đảm bảo quyền làm chủ của người dân. Muốn vậy phải xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của dân và các đoàn thể của dân. Tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế phải đi liền với thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí, tham ô.
Người khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Câu nói này đã toát lên triết lý về ASXH của Hồ Chủ tịch. Trong bài viết ngày 29/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Công đoàn có nhiệm vụ giữ quyền lợi cho công nhân và giúp cho Chính phủ xây dựng đất nước. Chính phủ Việt Nam là một Chính phủ dân chủ sẽ hết sức giúp đỡ về tinh thần cho công đoàn. Bộ luật Lao động sẽ ấn định giờ làm, tiền công, bảo vệ đàn bà, người già và trẻ em”.
Thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về ASXH, Hiến pháp Việt Nam năm 1946 đã ghi nhận những điều khoản quan trọng về ASXH tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành hệ thống quy phạm và chính sách về ASXH. Điều thứ 13 ghi nhận: “Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm”; Điều thứ 14: “Những người công dân già cả hoặc tàn tật, không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng”.
Có thể nói, lần đầu tiên những vấn đề ASXH được văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp ghi nhận, lần đầu tiên công dân Việt Nam được ghi nhận những quyền rất quan trọng thuộc lĩnh vực ASXH. Đó cũng là căn cứ thể hiện những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể chế hóa ở văn bản pháp luật cao nhất của một nhà nước dân chủ.
Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về ASXH nói riêng, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương xây dựng và thực hiện chính sách xã hội nói chung và chính sách ASXH nói riêng. Việc xây dựng và thực hiện chính sách ASXH thể hiện bản chất và sự tiến bộ của xã hội. Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng khẳng định sự cần thiết xây dựng và thực hiện chính sách ASXH. Thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội trong tiến trình phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.
Thể hiện quan điểm nhất quán đó, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định những quy phạm về ASXH: “Công dân có quyền được bảo đảm ASXH” (Điều 34); “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi ở; Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi…” (Điều 35).
Trên cơ sở những quy định mang tính hiến định, nguyên tắc của Hiến pháp Việt Nam năm 2013, các đạo luật về lao động, việc làm, ASXH đã thể hiện được tinh thần của Hiến pháp và hình thành hệ thống pháp luật về ASXH tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc hiện thực hóa các quan điểm của Đảng về ASXH, để các chính sách ASXH thực sự phát huy vai trò trong việc thúc đẩy sự phát triển xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, thể hiện bản chất dân chủ của chế độ XHCN ở nước ta. Đó cũng chính là những hành động thiết thực nhất chúng ta thể hiện trung thành với những luận điểm có tính nguyên tắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ASXH.
Có thể khẳng định, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ASXH được hình thành từ rất sớm, cùng với tiến trình của cuộc cách mạng ở nước ta. Nó thể hiện triết lý nhân sinh và triết lý hành động vì dân, luôn lấy mục đích phục vụ dân để hình thành và thực hiện chính sách ASXH. Từ hệ thống quan điểm được thể hiện trong các văn kiện chính trị đến quy định pháp luật được Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 2013 đều có những quy định rất quan trọng về chính sách ASXH. Điều đó khẳng định, ASXH được quan tâm trong lịch sử lập hiến Việt Nam và cũng thể hiện tinh thần nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về ASXH./.
Theo: baobaohiemxahoi.vn
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT