Tăng lương tối thiểu: Vẫn là bài toán khó giải của doanh nghiệp
15/01/2015 07:22 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Khối doanh nghiệp (DN) thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy sản gần như trở tay không kịp với việc tăng lương tối thiểu có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
Tăng 1, chi 4
Theo Nghị định 103/2014 của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng tối đa 14,8% so với năm 2014. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 khiến nhiều DN đang sở hữu số đông lao động đôn đáo để xoay xở. Chỉ cần mức tăng bình quân 300.000 đồng/người, với khoảng 1.000 lao động/DN, mỗi tháng DN phải chi thêm khoảng 300 triệu đồng, trong khi đơn hàng đã chốt với đối tác từ giữa năm.
Theo tính toán của ông Hà Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đông Hưng Group, khi lương cơ bản tăng, sẽ kéo theo lương tăng ca, phụ cấp cũng đồng loạt tăng: "Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, từ nay đến năm 2017, tăng lương tối thiểu vùng cần có lộ trình để thực hiện. Cụ thể, năm 2015, phương án I đạt 80%, phương án II đạt 83% nhu cầu sống tối thiểu vùng, tương tự năm 2016 đạt 90%, và năm 2017 đạt 100% là hoàn toàn không thực hiện được. Lao động trong các ngành như dệt may, da giày, thủy sản số đông là thiếu đào tạo, không có các kỹ năng, tác phong công nghiệp còn thấp, năng suất lao động không cao, nên rất khó áp đặt lương tối thiểu cho DN. Tốt nhất là để DN và người lao động tự thỏa thuận với nhau. Việt Nam đang bước vào nền kinh tế cạnh tranh cao, tức có sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Việc áp đặt mức lương để được bình quân khoảng 200.000 đồng/ngày là không hợp lý lắm!".
Ông Lê Trung Hoan, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Dệt may - Thương mại Tấn Minh, cho rằng, so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang được xem là vùng trũng về chi phí lao động: "Tuy nhiên, việc bắt buộc DN phải tăng lương cơ bản cho người lao động trong thời điểm kinh tế khó khăn này là một gánh nặng mà DN không dễ giải quyết. Trong bối cảnh chỉ có 30% DN kinh doanh có lãi, tăng lương sẽ tạo sức ép lớn, trong khi DN đang phải tính toán từng đồng chi phí để tồn tại. Bên cạnh đó, do đang là thời điểm cuối năm, các chi phí lương, thưởng, tăng ca, tay nghề, phụ cấp dồn lại tạo thành một thử thách rất lớn".
Theo thống kê của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), ngành dệt may đã và đang tạo việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp, 2 triệu lao động gián tiếp thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ, logistic. Theo đó, uớc tính mỗi năm sẽ có khoảng 135.000 tỷ đồng được chi trả trực tiếp cho cho 2,5 triệu lao động ngành may, với mức thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng/người, tương đương 54 triệu đồng/năm. Với mức lương buộc tăng tối thiếu 14,8%, ngành may phải gánh thêm gần 20.000 tỷ đồng/năm, chưa kể các khoảng phụ phí kéo theo cũng tương đương với khoảng lương cơ bản tăng thêm mà các DN phải gánh trong thời gian tới.
Bao nhiêu là đủ sống?
TS. Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng, mức lương tối thiểu vùng hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 75% mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình của họ. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm áp dụng mức lương cơ bản mới là quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động "căng thẳng". Vì thế, không phải DN nào cũng ngay lập tức thực hiện những quy định của Chính phủ, mà lý do chủ yếu là tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Tăng lương thì giá thành sản xuất cũng sẽ tăng. Điều này sẽ giảm tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tương tự, DN sản xuất hàng nội địa cũng phải tăng giá bán vì giá thành tăng. Điều này sẽ khiến sức mua ít nhiều sẽ đi xuống. Do đó, doanh thu, lợi nhuận của DN sẽ giảm theo và sẽ ảnh hưởng trở lại đối với người lao động. Ông Hà Duy Hưng phân tích, nếu đã chấp nhận kinh tế thị trường thì phải theo quy luật thị trường. Nếu cứ vin vào lý do không đủ sống để dẫn đến việc tăng lương không khoa học, sớm muộn sẽ dẫn đến tình trạng DN không thể mở rộng đầu tư: "Bởi vì hiện nay, năng suất lao động của nhân công Việt Nam đang có chiều hướng giảm, DN sẽ rất dễ lâm vào thế càng làm càng lỗ, nên buộc phải co hẹp sản xuất, hoặc dùng công nghệ tiên tiến nhằm giảm lao động chân tay. Điều này sẽ đồng nghĩa với thất nghiệp, trong khi lao động chân tay rất nhiều".
Ngày 12/1/2015, Navigos Search công bố báo cáo nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại thị trường Việt Nam quý IV/2014. Top 3 ngành đứng đầu về nhu cầu tuyển dụng tiếp tục là ngành sản xuất (27%), hàng tiêu dùng (17%) và công nghệ thông tin (13%). Mức lương được trả cao nhất cho nhân sự trong quý IV/2014 dành cho vị trí giám đốc trong lĩnh vực thương mại điện tử của một DN có trụ sở tại TP.HCM đạt 202 triệu đồng/tháng. Tiếp theo là vị trí trưởng phòng bán hàng và hành chính trong giáo dục là 148 triệu đồng/tháng.
Theo VN Economy
Tham gia BHXH - Trọn vòng an sinh
Tham Gia BHXH tự nguyện ngay hôm nay - An tâm cho ...
Quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự ...
Sử Dụng CCCD Gắn Chip Trong Khám Chữa Bệnh BHYT