Nhiều đối tượng không phải cùng chi trả chi phí KCB

22/12/2014 06:53 AM


Ngày 01/01/2015 tới đây, Luật BHYT sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới liên quan đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Để cung cấp thông tin đến bạn đọc cụ thể hơn về những thay đổi này, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế.

PV: Xin bà cho biết cụ thể những thay đổi mới nhất của Luật BHYT sửa đổi?

Bà Tống Thị Song HươngBà Tống Thị Song Hương: Với mục tiêu an sinh xã hội, Luật BHYT sửa đổi lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí KCB, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách. Trong đó, Luật bãi bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB đối với người dân xã đảo, huyện đảo và người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Cũng theo quy định tại Luật BHYT, từ 01/01/2015 người bệnh khám ngoại trú sẽ không được cùng chi trả 30%. Thay vào đó, các quyền lợi cho bệnh nhân KCB nội trú vượt tuyến sẽ được mở rộng hơn. Điểm quan trọng nữa là đối với các địa phương có kết dư quỹ BHYT thì được sử dụng 20% để hỗ trợ quỹ KCB người nghèo, mua thẻ BHYT cho một số đối tượng và nâng cao chất lượng KCB BHYT.

Luật lần này cũng mở thông tuyến KCB BHYT từ 01/01/2016 đối với tuyến huyện và xã trên cùng địa bàn tỉnh. Trong đó, đối tượng người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn, người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo thì được mở thông tuyến từ huyện lên tỉnh, TƯ.

PV: Thưa bà, Luật đã quy định việc người tham gia BHYT được KCB thông tuyến, vậy tại sao vẫn phải quy định nơi đăng ký KCB ban đầu?

Bà Tống Thị Song Hương: Về nguyên tắc, vẫn phải quy định nơi đăng ký KCB ban đầu để làm cơ sở quản lý thẻ, theo dõi bệnh nhân, kiểm soát chi phí KCB. Tuy nhiên, Luật sửa đổi lần này quy định thông thoáng hơn việc đăng ký KCB ban đầu, nhất là đối tượng ở cơ sở. Từ ngày 01/01/2016, người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã hoặc PKĐK hoặc BV huyện đều được quyền KCB BHYT tại trạm y tế xã hoặc PKĐK hoặc BV huyện trong cùng địa bàn tỉnh và được hưởng theo mức quy định.

Luật vẫn quy định mức thanh toán cho trường hợp KCB đúng tuyến và trái tuyến. Khi KCB đúng tuyến thì quỹ BHYT thanh toán theo 3 mức: 100%, 95%, 80% tùy theo nhóm đối tượng, cơ sở KCB. Riêng trường hợp KCB trái tuyến, để tránh tình trạng quá tải tuyến trên, lần này luật không thanh toán cho KCB ngoại trú, chỉ thanh toán đối với trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến với mức hưởng theo các BV như sau: Tại BV tuyến TƯ là 40% chi phí điều trị nội trú; Tại BV tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật có hiệu lực đến ngày 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong cả nước; Tại BV tuyến huyện là: 70% chi phí KCB từ ngày Luật có hiệu lực đến ngày 31/12/2015; 100% chi phí KCB từ ngày 01/01/2016.

PV: Theo quy định mới, người bệnh khám ngoại trú sẽ không được cùng chi trả 30% trong khi đó chúng ta không thể tránh được tình trạng vượt tuyến. Với điều kiện hiện nay, nhu cầu KCB của người dân rất lớn, như vậy có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của người dân hay không, thưa bà?

Bà Tống Thị Song Hương: Thực tế cho thấy khoảng 70% trường hợp bệnh có thể điều trị ở tuyến dưới không cần thiết vượt tuyến, gây quá tải ở tuyến trên. Nhưng Bộ Y tế cũng quy định các BV tuyến dưới chuyển bệnh nhân lên tuyến trên trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật và Quỹ BHYT vẫn thanh toán theo đúng quy định. Như vậy vẫn đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

PV: Thưa bà, Luật lần này cũng quy định tham gia BHYT cho hộ gia đình, vậy BHYT hộ gia đình sẽ có những quyền lợi cụ thể, ưu đãi ra sao?

Bà Tống Thị Song Hương: Các thành viên được giảm dần mức đóng phí là ưu đãi trong BHYT hộ gia đình. Cụ thể, người thứ nhất đóng tối đa bằng 60% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt đóng theo các mức 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Bắt đầu từ người thứ năm trở đi, mức đóng chỉ còn 40% so với mức đóng người thứ nhất.

Tôi đưa ra ví dụ cụ thể. Đối với hộ gia đình có 2 người, nếu đóng bảo hiểm theo cá nhân là 1.242.000 đồng, thì đóng theo hộ chỉ còn 1.055.000 đồng, giảm 186.000 đồng. Đối với hộ gia đình có 3 người thì đóng theo cá nhân là 1.863.000 đồng, còn đóng theo hộ thì phí chỉ còn 1.428.000 đồng, giảm 434.000 đồng.

Với mức hỗ trợ như trên, ngành y tế khuyến khích người dân tham gia BHYT gia đình để tiết kiệm chi phí và góp phần đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Theo: suckhoedoisong.vn